Gia đình nhiều thế hệ - Lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Với mỗi người Việt Nam, gia đình vừa là điểm xuất phát vừa là nơi nương tựa, trở về. Hiện nay, mô hình gia đình hạt nhân có xu hướng phát triển nhưng gia đình nhiều thế hệ vẫn giữ được vai trò, lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống. Qua đó, giữ gìn nề nếp gia đình, tạo môi trường sống tốt đẹp, hình thành nhân cách của mỗi thành viên.

Trong nhà lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, đó là không khí đầm ấm, yêu thương của gia đình ông Hoàng Lai và bà Nông Thị Hằng, thôn Nhân Thọ 2, xã Yên Nguyên. Có được không khí này là nhờ tất cả các thành viên trong gia đình biết yêu thương và sống vì nhau. Đã mấy chục năm làm vợ chồng, ông Lai và bà Hằng chưa một lần to tiếng, đại gia đình 10 người chung sống hòa thuận trong một mái nhà, người lớn tuổi nhất năm nay 96 tuổi, thành viên nhỏ nhất hơn 10 tuổi, ngôi nhà 4 thế hệ được vun đắp bởi tình yêu và sự sẻ chia.

Gia đình 4 thế hệ của ông Hoàng Lai, bà Nông Thị Hằng, thôn Nhân Thọ 2, xã Yên Nguyên.

Gia đình ông Tạ Văn Châu, bà Nông Thị Hương, thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh có 3 thế hệ cùng chung sống hòa thuận, hạnh phúc và nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu. Các thành viên vẫn duy trì giao tiếp với nhau bằng tiếng Tày, cùng chung sống dưới nếp nhà sàn truyền thống. Ông Châu lý giải một cách giản đơn rằng: “Ông bà, bố mẹ mình nói với mình bằng tiếng Tày thì mình cũng nói với con bằng tiếng Tày để con có đi xa, làm gì vẫn luôn nhớ về quê hương. Phải giữ gìn được tiếng nói thì mới giữ được gốc gác, nguồn cội. Bởi còn tiếng nói thì còn bản sắc”. Bà Hương cho rằng để xây dựng được một gia đình hạnh phúc, yên ấm, thì mỗi thành viên trong gia đình phải luôn thấu hiểu, chia sẻ tâm tư, suy nghĩ với nhau. Người làm cha, người mẹ trong gia đình phải luôn mẫu mực từ lời ăn, tiếng nói đến những việc làm của mình để từ đó con cháu mới noi gương học tập, làm theo. Ông Châu, bà Hương luôn vận động con cháu trong gia đình chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương, được bà con trong thôn, trong xã yêu mến.

Để có hạnh phúc và duy trì ngọn lửa hạnh phúc trong mỗi gia đình là điều không đơn giản. Song, để có được hạnh phúc trong ngôi nhà chung sống nhiều thế hệ càng không dễ, vì đòi hỏi mỗi thành viên phải dung hòa lối sống, thói quen, quan điểm sống của nhau, biết tha thứ và bao dung. Những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, đã và đang góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt trong xã hội hiện đại ngày nay.

Ngọc Hiển- Văn Linh

Tin cùng chuyên mục