Tháo gỡ khó khăn trong thu hoạch mía nguyên liệu

Theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố, tính đến ngày 10-2, toàn tỉnh đã thu hoạch 1.908 ha mía nguyên liệu, đạt 42% diện tích. So với những niên vụ trước, tiến độ thu hoạch mía đang rất chậm.

Huyện Chiêm Hóa có 1.395 ha mía, tuy nhiên đến thời điểm này mới có 378 ha được thu hoạch, đạt 27% kế hoạch. Các xã có tiến độ thu hoạch chậm là Minh Quang, Phúc Thịnh, Tân Thịnh... Ông Ma Văn Vịnh, Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho biết, toàn xã có 192 ha mía, đến ngày 10-2, mới có 60 ha được thu hoạch, chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài nguyên nhân bà con vừa nghỉ Tết Nguyên đán, tập trung trồng lạc, gieo cấy vụ xuân, trên địa bàn liên tiếp có mưa thì thiếu nhân lực đang là bài toán khó vì hầu hết lực lượng trẻ trên địa bàn xã đều làm ăn xa.


Người dân xã Phú Lương (Sơn Dương) thu hoạch mía nguyên liệu. Ảnh: Cao Huy

Huyện Sơn Dương cũng mới thu hoạch được 1.200 ha, đạt 50% kế hoạch; Yên Sơn thu hoạch được 82 ha, đạt 24% kế hoạch; thành phố Tuyên Quang thu hoạch được 25 ha, đạt 26% kế hoạch; Hàm Yên thu hoạch được 192 ha, đạt 49% kế hoạch... Anh Đào Văn Đồng, thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên (Sơn Dương) cho biết, gia đình anh có 3,4 ha mía, đến kỳ thu hoạch, cán bộ nông vụ cũng đã báo lịch đốn chặt nhưng gia đình không tìm được người để thuê. Anh Đồng lo lắng, không đốn chặt được, mía chín quá, trổ bông sẽ giảm năng suất và sản lượng. Gia đình ông Lục Văn Viết, thôn Mai Sơn, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) cũng đang ngược xuôi tìm người để thuê chặt mía nhưng chưa thể tìm được.

Thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực trẻ cộng với giá nhân công cao, thời tiết phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thu hoạch, vận chuyển mía nguyên liệu về nhà máy. Tại Nhà máy Đường Tuyên Quang, với công suất ép 2.500 tấn mía nguyên liệu/ngày, tuy nhiên tại thời điểm này nhà máy đã phải hạ công suất ép xuống còn 1.900 tấn/ngày. Ông Lê Văn Quý, Quản đốc phân xưởng sản xuất cho biết, lượng mía về trong ngày chỉ đạt khoảng 1.500 - 1.600 tấn. Thiếu mía nguyên liệu kéo theo chỉ tiêu sản xuất đường và sản lượng điện sinh khối không đạt dù đang trong cao điểm vụ ép. Ước tính lượng điện sinh khối của nhà máy sản xuất ra hiện nay chỉ đạt khoảng 1.500 MW, thấp hơn kế hoạch 1.000 MW. Nhà máy Đường Sơn Dương cũng giảm công suất và hoạt động cầm chừng để chờ mía nguyên liệu. Ước tính mỗi ngày nhà máy chỉ nhập được khoảng từ 1.500 - 1.700 tấn, thấp hơn khoảng 600 - 800 tấn so với cùng kỳ năm 2019.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các các địa phương đôn đốc người trồng mía khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Yêu cầu đặt ra là phải thu hoạch hết diện tích trong khung thời vụ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mía quá kỳ trổ bông làm giảm trữ đường. Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, bà con nông dân cũng linh hoạt thực hiện mô hình đổi công cho nhau trong thu hoạch, vận chuyển mía để giảm chi phí thuê nhân công lao động. 

Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, bắt đầu từ ngày 11 đến ngày 15-2, công ty sẽ trực tiếp xuống làm việc với Ban chỉ đạo sản xuất mía và người trồng mía ở các xã có diện tích mía lớn đang gặp khó khăn trong thu hoạch để tìm hướng giải quyết. Trong trường hợp các hộ trồng mía không thuê  được nhân công, công ty sẽ đứng ra thuê hộ với giá phù hợp bảo đảm lợi ích cho cả đôi bên, doanh nghiệp có mía nguyên liệu sản xuất, người dân thu hoạch hết diện tích mía. Công ty sẽ đưa máy móc san gạt, gia cố lại đường giao thông nội đồng tạo thuận lợi cho các xe tải cỡ lớn xuống tận cánh đồng vận chuyển mía cho bà con. Công ty cũng cam kết mía đốn chặt đến đâu, vận chuyển ngay  đến đó, chi trả tiền mía cho các hộ trồng mía kịp thời và đúng giá đã thỏa thuận.    

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục