Bánh Gai Chiêm Hóa “Giấc mơ” vươn xa từ nghề truyền thống

Từ nghề truyền thống bao đời, chính quyền và người làm bánh gai ở thị trấn Vĩnh Lộc đã nỗ lực xây dựng để thương hiệu bánh gai Chiêm Hóa ngày càng vươn xa với chất lượng và thương hiệu ngày càng được khẳng định.

Bánh gai Chiêm Hóa.

Không ai biết rõ bánh gai có từ khi nào, chỉ biết đây là loại bánh đặc trưng của đồng bào người Tày ở Chiêm Hóa được làm vào mỗi dịp rằm tháng bảy để dâng lên tổ tiên, ông bà thể hiện tấm lòng hiếu thảo, biết ơn của con cháu. Chiếc bánh gai nhân đậu xanh được trộn với dừa thơm mùi đường mía, lá gai và lá chuối khô hòa quyện với vị ngậy, giòn sần sật của gia vị là sản phẩm nức tiếng, riêng có của huyện Chiêm Hóa. Bà Đoàn Thị Tuất, tổ Vĩnh Qúy, thị trấn Vĩnh Lộc đã có nhiều năm gắn bó với nghề bánh gai truyền thống chia sẻ, để làm ra sản phẩm bánh gai bảo đảm về chất lượng đòi hỏi phải qua rất nhiều công đoạn và phải có sự chuẩn bị kỹ về nguyên liệu. Gạo nếp phải là nếp cái hoa vàng, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước và xay thành bột. Lá gai phơi khô tước bỏ hết gân, thái nhỏ, đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn, trộn với bột và mật mía làm vỏ bánh. Bánh sau khi đã gói hoàn chỉnh, được xếp vào nồi hấp cách thủy, dùng bếp củi để đun nấu, bánh chín được vớt ra, để ráo nước… Tất cả các công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu đến nấu bánh đều phải được thực hiện đúng công đoạn mới cho ra mẻ bánh ngon, giữ được hương vị đậm đà.

Nhân bánh luôn là bí quyết làm nên thương hiệu của Bánh gai Chiêm Hóa.

Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có gần 100 hộ gia đình chuyên làm bánh gai, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 3000 cặp bánh gai. Vào các dịp lễ, tết sản lượng bánh có thể tăng gấp 4 đến 5 lần. Nghề sản xuất bánh gai đã tạo cho các hộ một khoản thu nhập ổn định, khoảng 4 đến 6 triệu đồng /hộ/tháng. Để hỗ trợ bà con phát triển nghề truyền thống, đồng thời nâng cao chất lượng bánh gai, trong thời gian qua chính quyền huyện, thị trấn Vĩnh Lộc đã tăng cường hỗ trợ các hộ duy trì phát triển nghề làm bánh gai theo hướng bền vững. Trong đó, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm bánh gai được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu sản xuất; cung cấp bao bì, tem nhãn sản phẩm cho các hộ sản xuất; tăng cường công tác tập huấn, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Người dân Chiêm Hóa đi xã thường mang Bánh gai Chiêm Hóa làm quà.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Kiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Lộc cho biết, trong thời gian tới, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm bánh gai truyền thống, xây dựng sản phẩm theo chương trình Ocop - mỗi xã một sản phẩm để nâng tầm, tăng giá trị của bánh gai. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của các hộ làm nghề. Trong quá trình các hộ sản xuất, thị trấn phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra các hộ thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không vì lợi nhuận mà làm mất đi giá trị bánh gai đã được khẳng định trong suốt thời gian qua.

Bánh gai Chiêm Hóa là một sản phẩm ẩm thực, du lịch độc đáo, nằm trong Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VIETKINGS) công nhận. Để khai thác tối đa lợi thế này, huyện Chiêm Hóa đã và đang từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu “Bánh gai Chiêm Hóa” ngày một lớn mạnh hơn. Từ đó, tạo sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ phát triển du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn./.

Văn Linh – Hồng Nhung

Tin cùng chuyên mục