Hiệu quả bước đầu trong áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò trên địa bàn huyện

Chăn nuôi trâu là một nghề truyền thống lâu đời của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, con trâu đã trở thành con vật thân thiết, là tài sản quý đối với mỗi người nông dân vì nó không những mang lại giá trị kinh tế cao mà còn cung cấp sức kéo và phân bón trong sản xuất nông nghiệp.

Trên địa bàn huyện Chiêm Hóa hiện có trên 28.000 con trâu.  Tuy nhiên trong những năm qua, do có những hạn chế về công tác quản lý, phục tráng, cải tạo về giống nên chất lượng đàn trâu có phần giảm sút, tỷ lệ tăng đàn tự nhiên thấp, dẫn đến hiệu quả chăn nuôi không cao. Vào những năm 70, khối lượng trâu khối lượng trung bình của trâu Chiêm Hóa khá lớn, trâu đực trung bình đạt 457kg/con, trâu cái trung bình đạt 394kg/con. Hiện nay khối lượng trâu đực trung bình của địa phương chỉ còn 371 kg/con, trâu cái trung bình chỉ còn 354 kg/con. Tỷ lệ đẻ của trâu cái sinh sản chỉ đạt bình quân 36%/năm, trong khi đó nếu chăn nuôi, chăm sóc và quản lý tốt thì tỷ lệ này là từ 55-60%/năm.  Ðàn trâu đực hiện đang nuôi tại địa bàn huyện có nhiều con không đủ tiêu chuẩn đực giống; hiện tượng phối giống cận huyết, đồng huyết xảy ra khá phổ biến. Mặt khác việc ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trên địa bàn huyện chưa có dẫn đến chất lượng đàn nghé sinh ra chưa được cải thiện về tầm vóc, chất lượng và khối lượng đàn trâu ngày một giảm sút.

Các học viên đang thực hành khám kiểm tra sinh sản bò.

Xuất phát từ những mục tiêu và lợi thế của huyện, UBND huyện Chiêm Hóa đã ban hành văn bản phối hợp với Viện Chăn nuôi, Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba vì tổ chức lớp đào tạo kỹ thuật phối giống nhân tạo trâu, bò cho 11 học viên, chủ yếu là cán bộ thú y trong và ngoài địa bàn huyện tham gia. Thời gian đào tạo từ ngày 21/8/2018-11/9/2018. Đến nay sau hơn một tháng triển khai, các học viên đã phối giống được 61 con trâu trên địa bàn huyện, những con trâu cái sau khi được thụ tinh nhân tạo sau 21 ngày nếu không có biểu hiện động dục trở lại thì khả năng thụ thai sẽ cao.

Thú y xã Tân An đang thực hiện thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu trên địa bàn xã.

Sau khi kết thúc lớp đào tạo, nhiều học viên đã phát huy kết quả học được để áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò tại địa phương, sử dụng những sản phẩm tinh cọng rạ của những con trâu, bò có tính năng vượt trội, có khả năng chịu kham khổ, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện, có năng xuất chất lượng tốt. Mặt khác việc ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo tầm vóc đàn trâu hiện có, hướng tới sản xuất trâu giống có chất lượng cao trong những năm tới, từng bước đưa tiến bộ khoa học, công nghệ vào phát triển sản xuất mang tính bền vững; cung cấp nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng cho thị trường.

Trong thời gian tới, Trạm Chăn nuôi và Thú y Chiêm Hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo nhân viên thú y theo dõi đánh giá chất lượng đàn nghé được sinh ra thông qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Đồng thời phối hợp với UBND các xã tổ chức tuyên truyền người chăn nuôi trâu từng bước chuyển từ cho trâu cái phối giống trực tiếp sang phối giống thụ tinh nhân tạo để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đóng góp tích cực vào việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp chung của tỉnh ./. 

Công Duyệt, Trạm Chăn nuôi và Thú y Chiêm Hóa

Tin cùng chuyên mục