Giải pháp đảm bảo nguồn trâu giống

Theo báo cáo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm 2016, đàn trâu của tỉnh giảm từ 119 nghìn con xuống còn 114 nghìn con; đến năm 2017, tổng đàn trâu giảm xuống còn 110,6 nghìn con và đến giữa tháng 9-2018, tổng đàn trâu toàn tỉnh chỉ còn 106,4 nghìn con.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, đàn trâu của tỉnh liên tục sụt giảm, ngoài nguyên nhân diện tích chăn thả bị thu hẹp, thiếu lao động chăn dắt... thì nguyên nhân chính là do chăn nuôi trâu hiện nay không phải lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp mà đã chuyển sang lấy thịt. Từ đầu năm đến nay, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 3.987,61 tấn, tăng 4,29% (tăng 164,03 tấn) so với cùng kỳ năm 2017. 

Ông Lý Văn Chuân, cán bộ thú y xã Đạo Viện kiểm tra đàn trâu sinh sản
 bằng thụ tinh nhân tạo tại thôn Cây Thị.

Huyện Chiêm Hóa trong 2 năm trở lại đây đàn trâu liên tục sụt giảm dù mô hình chăn nuôi trâu thịt theo hình thức nhốt chuồng vỗ béo rất hiệu quả. Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Năm 2017, tổng đàn trâu của huyện là 29,2 nghìn con nhưng đến tháng 9 năm nay con số này đã giảm xuống còn 27,7 nghìn con. Nhiều hộ chăn nuôi trâu thịt theo hình thức nhốt chuồng vỗ béo tại các xã Vinh Quang, Yên Nguyên, Hòa Phú phải lặn lội đi các tỉnh lân cận, thậm chí là đến các tỉnh vùng biên giới để tìm mua con giống phục vụ chăn nuôi. 

Ông Ma Văn Tỉnh, thôn Nà Mộ, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho biết, trâu giống đã khan hiếm, giá lại cao nên tạm thời gia đình phải dừng nuôi.

Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành chia sẻ, để duy trì chuỗi chăn nuôi trâu thịt giữa hợp tác xã với các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, HTX đang phải gom trâu giống từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh... thậm chí là cả sang Lào và Campuchia. Theo ông Oanh, đây chỉ là giải pháp tình thế, giải pháp lâu dài rất cần có sự hợp tác chặt chẽ từ ngành chuyên môn, người chăn nuôi trong việc nâng cao chất lượng đàn trâu, đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản để bảo đảm ổn định nguồn trâu giống tại chỗ, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa. 

Đứng trước thực trạng nguồn trâu giống khan hiếm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện mô hình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn trâu giống ở 4 xã gồm: Yên Nguyên, Hòa Phú (Chiêm Hóa); Đạo Viện, Trung Sơn (Yên Sơn). Ông Lý Văn Chuân, cán bộ thú y xã Đạo Viện cho biết, mô hình cải tạo chất lượng đàn trâu địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo đã giúp các hộ dân giải quyết những khó khăn trong công tác giống hiện nay vì trâu đực giống tốt ngày càng ít đi. Hiện nay, những con trâu được phối giống đã đẻ, nghé con sinh ra khỏe mạnh, phát triển tốt.

Ông Lê Hải Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, bên cạnh mô hình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn trâu do ngành thực hiện, tỉnh cũng đang triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi chủ lực. Hiện đã có 151,3 tỷ đồng được giải ngân cho 3.179 tổ chức, cá nhân vay, trong đó có vay chăn nuôi trâu. 

Những giải pháp đang thực hiện từng bước giải quyết được vấn đề khan hiếm nguồn trâu giống phục vụ chăn nuôi, bảo đảm chuỗi chăn nuôi trâu phát triển ổn định, bền vững.

TQĐT

Tin cùng chuyên mục