Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp

Mục tiêu của tỉnh đề ra sau khi quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp là phải nhanh chóng đầu tư hạ tầng, thu hút và lấp đầy dự án. Nhưng thực tế cho thấy, hiện nay, các cụm công nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư, khiến hiệu suất sử dụng đất đạt thấp.

Công nhân Công ty cổ phần Thương mại - Sản xuất xuất khẩu Phúc Lâm, Cụm công nghiệp
An Thịnh (Chiêm Hóa) gia công phong bì xuất khẩu. Ảnh: Hải Hương

Các dự án đầu tư còn ít

Theo báo cáo của Sở Công Thương, ngoài 2 khu công nghiệp Long Bình An và Khu công nghiệp Sơn Nam, đến tháng 7-2018 trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 228,3 ha. Trong đó, cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa) 78 ha, cụm công nghiệp Tân Thành (Hàm Yên) 72,2 ha; cụm công nghiệp Khuôn Phươn (Na Hang) 20 ha và cụm công nghiệp Thắng Quân 58,1 ha. Để hoàn thiện hạ tầng cho các khu, cụm công nghiệp, tỉnh đã đầu tư 215 tỷ đồng, trong đó 190 tỷ vào các khu công nghiệp và 25 tỷ đồng vào hạ tầng cụm công nghiệp. Đồng thời khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng các cụm công nghiệp. Hiện Công  ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã đầu tư hạ tầng vào cụm công nghiệp Thắng Quân với hệ thống đường nội bộ, điện, nước... 

Tuy nhiên, số lượng các dự án đăng ký đầu tư vào các cụm công nghiệp hiện vẫn chưa đạt kỳ vọng. Trong tổng số 22 dự án đăng ký đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, thì số dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp là 7 dự án. Tại 4 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, ngoài cụm công nghiệp Thắng Quân có tỷ lệ lấp đầy đạt 67% thì 3 cụm công nghiệp còn lại, tỷ lệ lấp đầy chưa đạt đến 35%.  

Cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa) thu hút được nhiều dự án đăng ký đầu tư nhất, với 5 dự án. Theo UBND huyện Chiêm Hóa, các dự án mà huyện thu hút đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp dệt may - da giày; khai thác, chế biến khoáng sản và một số ngành tiểu thủ công nghiệp... 

Sau hơn 8 năm thành lập và đi vào hoạt động, cụm công nghiệp Tân Thành (Hàm Yên) có 2 dự án đăng ký và được chấp thuận chủ trương đầu tư, là dự án Nhà máy chế biến gỗ Đông Dương của Công ty cổ phần gỗ Đông Dương và Nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu Tuyên Quang của Công ty TNHH tập đoàn Better Power/Samoa. Trong đó, dự án Nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu Tuyên Quang dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2019, sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 7 nghìn lao động địa phương. 

Công nhân Công ty cổ phần Woodsland làm việc tại dây chuyền chế biến gỗ xuất khẩu
ở Cụm công nghiệp Thắng Quân và Lang Quán (Yên Sơn). Ảnh: Duy Hùng

Tháo gỡ điểm nghẽn

Ông Ngô Tiến Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, các cụm công nghiệp hiện vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của mình, nhất là cụm công nghiệp ở các huyện vùng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do việc quy hoạch phát triển đất công nghiệp ở các vị trí không thuận lợi, xa dân cư, hiệu quả đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp thấp, ít hấp dẫn các nhà đầu tư. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, chưa thu hút được các đơn vị đầu tư hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp. 

Để tháo gỡ điểm nghẽn trong thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp địa phương, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Ngô Tiến Hà, các ngành liên quan, các địa phương tập trung huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước của các nhà đầu tư để phát triển công nghiệp theo quy hoạch. Sử dụng vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia thành lập và đầu tư vào hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tận dụng tối đa các gói kích cầu của Chính phủ, bằng cách tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng để thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh. Công khai dự án, phương án tổng thể xây dựng các khu, cụm công nghiệp và phương án bồi thường, hỗ trợ, giải quyết hài hòa quyền lợi của người bị thu hồi đất, đảm bảo được sự đồng bộ về cơ chế, chính sách với thực tiễn. Đồng thời, thu hút đầu tư phát triển hệ thống giao thông đến các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo kết nối nội vùng, liên vùng trong tỉnh và hệ thống giao thông quốc gia…

Mục tiêu của tỉnh từ nay đến 2020 là tiếp tục quy hoạch, hình thành mới các cụm công nghiệp: Nông Tiến, Đội Cấn, Tân Hà (TP Tuyên Quang); Thổ Bình (Lâm Bình); Trung Hòa (Chiêm Hóa); Hào Phú, Măng Ngọt thuộc thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương), nâng tổng số cụm công nghiệp toàn tỉnh lên 11 cụm công nghiệp, tổng diện tích 346 ha. Việc hình thành các khu, cụm công nghiệp tại các địa phương nhằm mục tiêu chuyển dịch nhanh, mạnh cơ cấu kinh tế trên địa bàn, trong đó, công nghiệp - xây dựng đạt 40%; dịch vụ đạt 39%; nông, lâm, thủy sản đạt 21%; phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2020 đạt trên 17.600 tỷ đồng. 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục