Hướng đi mới trong phát triển du lịch ở Tân Thịnh

Thực hiện chủ trương của huyện về tập trung khai thác những thế mạnh sẵn có để đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) đã và đang khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, góp phần quảng bá hình ảnh của huyện đến với du khách trong và ngoài nước.

Xã Tân Thịnh (nhìn từ đỉnh Đèo Gà) có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.

Đến thôn An Phú, xã Tân Thịnh, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà sàn của người Tày được xây dựng vào những năm 80 của thế kỷ trước. Ông Hà Vĩnh Lục, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, những ngôi nhà sàn của người dân trong xã được xây dựng từ lâu đời đã mang dấu vết thời gian với cấu trúc được gìn giữ nguyên bản. Vừa qua, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã đi khảo sát và dự tính chọn 10 ngôi nhà có không gian rộng rãi đưa vào làm du lịch. Ngoài ra, xã còn có đập nước Pác Nhang, khu cánh đồng mía, ruộng lúa là lợi thế cho việc phát triển du lịch homestay tại địa phương.

Theo dự kiến, đập nước Pác Nhang sẽ được cải tạo, trồng cây bao quanh từ chân đèo xuống đập; xây dựng các chòi nghỉ chân mang đến cho du khách những giờ phút nghỉ ngơi yên tĩnh, hòa mình vào thiên nhiên. Bên cạnh đó, tạo cơ hội cho họ trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, thưởng thức những sản vật của địa phương cũng sẽ là điểm nhấn thu hút du khách đến với Chiêm Hóa. Khai thác tiềm năng du lịch sẽ góp phần thay đổi bộ mặt của xã, giúp người dân có thêm thu nhập.

Ông Mã Văn Thăng, thôn An Phú, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) giới thiệu về ngôi nhà sàn của gia đình.

Đối với những hộ gia đình có nhà sàn nằm trong chương trình khảo sát, sau khi được trao đổi về mục đích cũng như ý nghĩa của việc làm du lịch, mọi người đều rất đồng lòng ủng hộ và mong mỏi kế hoạch sớm được thực hiện. Ông Mã Văn Thăng, thôn An Phú chia sẻ, ngôi nhà sàn của gia đình ông được xây dựng và hoàn thành năm 1983. Mới đây, cán bộ của huyện xuống tham quan và trao đổi với ông về cơ hội làm du lịch của gia đình. Ông rất phấn khởi bởi những nét đặc trưng của dân tộc mình sẽ được nhiều người biết đến và gia đình ông sẽ có thêm thu nhập từ việc làm du lịch. 

Theo khảo sát của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Đèo Gà nằm trên trục đường 3B có những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch như: Vị trí giao thông; cảnh quan thiên nhiên, giáp ngôi làng truyền thống dân tộc Tày của xã Tân Thịnh… Vì vậy, phòng đã tham mưu với huyện xây dựng điểm dừng chân du lịch trên đỉnh Đèo Gà với các hạng mục như: Cửa hàng dịch vụ, nhà quan sát, bãi để xe, nhà vệ sinh công cộng, cây xăng, trồng cây tạo bóng mát, xây dựng khu chụp ảnh… để quảng bá hình ảnh của địa phương đến với khách thập phương. 

Xây dựng điểm dừng chân Đèo Gà gắn với du lịch cộng đồng tại xã Tân Thịnh là việc làm cần thiết nhằm đưa hình ảnh của huyện đến gần hơn với du khách. Bên cạnh đó, còn là cơ hội để giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân địa phương.   

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục