Thầm lặng mà trân quý

Những người công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty TNHH Nhung Bích, thành phố Tuyên Quang hay còn được gọi với cái tên quen thuộc “Cô lao công” là những con người thầm lặng, biết chịu đựng vượt lên mọi hoàn cảnh, cần mẫn, chăm chỉ để môi trường Bệnh viện Đa khoa huyện nay là Trung tâm Y tế huyện luôn sạch đẹp, tinh tươm, mang lại sự hài lòng cho đội ngũ cán bộ Y tế và người bệnh.

Công việc thường ngày của các chị lao công tại Trung tâm Y tế huyện.

Chị Trần Thị Thanh, sinh năm 1985 gắn bó công việc vệ sinh môi trường tại Trung tâm Y tế huyện từ năm 2015 đến nay chia sẻ: Bản thân chị cũng 11 chị em trong tổ xem Trung tâm Y tế huyện như một gia đình nên luôn gắn bó, tận tụy với công việc bằng cả cái tâm. Hằng ngày, ngay từ tờ mờ sáng, những chị nhà ở xa phải đổ đường hàng chục cây số để đến Trung tâm cho kịp giờ làm. Công việc của chị Thanh cũng như các chị em trong tổ, buổi sáng bắt đầu từ 6 giờ đến 10 giờ trưa với khối lượng công việc khá dầy như lau dọn, vệ sinh các khoa phòng khám, dọn dẹp vệ sinh phòng bệnh phải xong trước giờ Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân đến khám bệnh và điều trị nội trú rồi lau dọn các nhà vệ sinh, tủ đồ, các sảnh, lan can, cầu thang, tường kín, thu dọn rác thải sinh hoạt buồng bệnh, rác thải Y tế cho đến quét dọn vệ sinh ngoại cảnh khuôn viên của Trung tâm Y tế. Buổi chiều công việc đó được lặp lại bắt đầu từ 13 giờ 30 phút và kết thúc vào lúc 17 giờ hàng ngày, chưa kể những khoảng thời gian tăng ca giữa buổi, khối lượng công việc đội lên gấp đôi nhất là tại những khoa đặc biệt như Khoa Ngoại, Khoa Hồi sức cấp cứu, Khoa Sản. Dẫu biết công việc vất vả là thế nhưng lao động của các chị đem đến sự hài lòng, sạch sẽ, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bệnh nhân cũng như đội ngũ Y, Bác sĩ là diều hết sức đáng trân quý. Chị Thanh chia sẻ thêm: Muốn làm tốt công việc của mình trước hết phải xem bệnh nhân như người thân của mình. Mấy năm gắn bó với công việc này, chị thấy hạnh phúc nhất khi được nhiều bệnh nhân quý mến, trân trọng, khi được họ xem như người thân của họ. Có thể, do có chung hoàn cảnh vất vả nên những công nhân dọn vệ sinh ở đây luôn thương yêu đùm bọc và coi nhau như chị em một nhà. Có chuyện gì cùng hỗ trợ, giúp đỡ, động viên nhau làm tốt công việc được giao. 

Tổ vệ sinh môi trường tại Trung tâm Y tế huyện (thuộc Công ty TNHH Nhung Bích thành phố Tuyên Quang) hiện nay có 12 người, chủ yếu là chị em phụ nữ. Để dảm bảo vệ sinh sạch sẽ trong bệnh viện là một trong những yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân nhanh chóng bình phục. Chính vì vậy công việc của họ được duy trì thường xuyên và thực hiện rất tốt, nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ phía đội ngũ Y, Bác sỹ, Điều dưỡng cho đến bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân. Được biết, hàng tháng Trung tâm Y tế huyện duy trì tổ chức họp Hội đồng người bệnh, qua đó Ban Giám đốc trực tiếp nghe ý kiến của người bệnh về việc khám, điều trị bệnh, công tác vệ sinh sinh môi trường…tại Trung tâm, hầu hết đều nhận được những ý kiến phản hồi rất tốt. Trao đổi với chúng tôi về Tổ vệ sinh môi trường cũng như công việc của họ.

Thiết nghĩ không có nghề nào là xấu hay mặc cảm. Quan trọng là mình có tận tụy, làm tốt công việc hay không. Mặc dù công việc khá vất vả, đôi khi còn đối diện với nguy hiểm đến từ khả năng lây nhiễm dịch bệnh... nhưng những người công nhân của Tổ vệ sinh môi trường tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa vẫn gắn bó với nghề, thầm lặng mà trân quý và rất đáng tự hào./.

Hải Hà

Tin cùng chuyên mục