Người Việt vui đón Tết cổ truyền xưa và nay

Tết Nguyên đán là ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam, là dịp để mọi người, mọi nhà được quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả, để cùng vui đón Tết đoàn viên. Cùng với sự phát triển của xã hội, thì ngày nay Tết cổ truyền cũng đã có thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, Tết cổ truyền của dân tộc vẫn còn những giá trị tốt đẹp

Gia đình bà Hồng, tổ Vĩnh Hưng làm mứt táo cho ngày tết.

Theo chị Trịnh Thúy Quỳnh, giáo viên trường THCS Phúc Thịnh chia sẻ: Ngày xưa mọi người ai cũng mong đến Tết, Tết không chỉ là để được nghỉ ngơi mà quan trọng, quanh năm vất vả, bận rộn ăn uống đơn giản, chỉ có ngày Tết mới được ăn những món ngon. Do vậy, việc chuẩn bị cho việc ăn Tết rất được chú trọng. Đối với gia đình chị trước kia khi còn sống chung với bố mẹ thì việc đầu tiên là nuôi con gà con lợn. Mà nuôi lợn là phải nuôi từ đầu năm nhưng mãi tận cuối năm mới mổ để ăn Tết. Việc nữa là gói bánh trưng cũng được chuẩn bị từ rất sớm. Ngay từ đầu tháng Chạp, mọi người đã lo mua gạo nếp, đậu xanh... để sẵn. Thậm chí lá dong, lạt buộc... cũng phải lo liệu trước, rồi muối vại dưa vại hành. Dù không phải món chính, nhưng dưa hành là món không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết và được xếp vào 6 loại phẩm vật đặc trưng của Tết cổ truyền xưa: "Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh/Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”; chuẩn bị lễ cũng ông Công ông Táo… Bên cạnh sắm sửa Tết cho nhà mình, gia đình chị Quỳnh cùng như bao gia đình khác còn chuẩn bị đồ lễ, biếu. Con cháu khi đã ra ở riêng, dù xa xôi cách trở, cũng tìm về lo liệu biếu Tết cho ông, bà, cha mẹ, nhiều ít tuỳ hoàn cảnh sinh sống. Có thể thấy, công việc chuẩn bị cho Tết xưa nhiều công đoạn và vất vả, thiếu thốn là vậy, nhưng mọi người ai nấy đều vui mừng háo hức. Ngày nay xã hội ngày càng phát triển đi lên kéo theo hàng trăm dịch vụ tiện ích, đầy đủ, cái gì cũng có sẵn. Tuy nhiên, do tính chất công việc thế nên việc chị Quỳnh cùng với các thành viên trong gia đình làm những món ăn, sắm sửa cho ngày Tết là điều rất khó.

Cuộc sống ngày nay càng đủ đầy nên việc ăn uống trong ngày Tết hiện đã không còn quá quan trọng. Nếu như xưa kia, cả năm chỉ đợi đến ngày Tết để được ăn miếng bánh trưng, thịt lợn, gà... thì nay bánh trưng được bán quanh năm ngoài chợ, thịt cá là những thức ăn hàng ngày. Do đó, đây không còn là những món ăn quá đặc biệt. Việc chuẩn bị Tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước. Mọi mặt hàng từ hoa quả, bánh trái, thực phẩm, đồ uống... đều có sẵn, chỉ dành ra chút ít thời gian là có thể sắm đủ. Thậm chí, không cần ra chợ, chỉ vài cuộc điện thoại đặt hàng, mọi hàng hóa đều được giao bán đến tận tay. Song vẫn còn nhiều gia đình vẫn duy trì việc gói bánh trưng và tự tay làm những món mứt sấy cho ngày Tết.

Mặc dù có nhiều thay đổi nhưng Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, người Việt vẫn duy trì và gìn giữ nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục, tín ngưỡng truyền thống như: tảo mộ, dọn dẹp trang trí nhà cửa, cúng giao thừa, xin lộc, mừng tuổi,lì xì. Không khí Tết Nguyên đán là tưng bừng và nhộn nhịp nhất của người Việt, là dịp để mọi người cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp, đủ đầy, như: ăn ngon, mặc đẹp, nói điều hay, chúc nhau “vạn sự như ý”, “phát lộc phát tài”… Đặc biệt, Tết là dịp quan trọng để cả nhà sum vầy, quây quần bên nhau, cùng đón một năm mới an lành, hạnh phúc./.

Hải Hà

Tin cùng chuyên mục