Mỗi giáo viên một việc làm ý nghĩa

Học và làm theo Bác Hồ, nhiều chi bộ trường học ở Chiêm Hóa đã lãnh đạo đảng viên, cán bộ, giáo viên thực hiện việc nêu gương bằng một việc làm nhỏ, có ý nghĩa. Chính những việc làm nhỏ ấy đã góp phần xây dựng môi trường học tập nền nếp, lành mạnh, nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn.

Cô và trò trường THCS Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) chăm sóc đồi lát tại nghĩa trang liệt sỹ của xã.

Trường Tiểu học Tân Mỹ, xã Tân Mỹ có khuôn viên toàn hoa, đua nhau nở muôn sắc màu. Những  thảm hoa li ti được cắt tỉa thành hàng lối gọn gàng, tạo nên không gian đẹp cho ngôi trường vốn ở một nơi đặc biệt khó khăn. Không gian ấy khiến chúng tôi lầm tưởng lãnh đạo của trường phải là nữ mới có tâm hồn lãng mạn và bàn tay tài hoa, khéo léo như vậy.

Nhưng tiếp chúng tôi là thầy Ma Văn Dần, Hiệu trưởng nhà trường. Thầy Dần nói câu nào cũng khiêm tốn như vẻ ngoài hiền từ, chân chất của mình. Thầy chuyển từ trường Tiểu học Hùng Mỹ về làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Mỹ được 4 năm nay. Khi đó, nhà trường còn thiếu thốn trăm bề. Trường ít khi đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến. Thế nhưng mấy năm trở lại đây, trường liên tục đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chi bộ luôn đạt trong sạch, vững mạnh. Từ khi chuyển về, thầy cùng Ban Giám hiệu nhà trường đề ra nhiệm vụ uốn nắn lại nền nếp dạy và học của cán bộ, giáo viên, học sinh.

Thầy bảo, mỗi người ghé vai gánh vác một việc nho nhỏ nhưng có ích thì sẽ làm nên những kết quả lớn. Bởi vậy, là người đứng đầu chi bộ, thầy đã cùng chi ủy phân công mỗi đảng viên đảm nhận một công việc của nhà trường. Trong đó, thầy Ma Văn Đạt đảm nhận quán xuyến nhắc nhở học sinh sử dụng công trình nước sạch; cô Hoàng Thị Tuyết luôn là người đi sớm về muộn nhất trường để nhắc nhở các em học sinh để xe vào khu vực quy định ngăn nắp, gọn gàng; cô Nguyễn Thị Dương Liễu phụ trách việc nhắc nhở học sinh giữ gìn vệ sinh chung khu vực nhà vệ sinh. Ngoài ra, mỗi vườn hoa, cây cảnh cũng có các đảng viên đảm nhận chăm sóc, bảo vệ luân phiên hàng tuần. 

Nhiều trường học khác trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã có những cách làm khác nhau, khẳng định vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy. Ở đâu có sự nêu gương của cán bộ, đảng viên thì nơi đó các phong trào thi đua đều tạo sức lan tỏa trong mỗi cán bộ, giáo viên. 

Trường Tiểu học Tân Thịnh, xã Tân Thịnh năm nay được huyện chọn là đơn vị điển hình trong đổi mới phương pháp dạy và học. Là ngôi trường có bề dày thành tích trong dạy và học, nhưng Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy vẫn nhận là mình chưa làm được gì nhiều cho giáo viên và học sinh của nhà trường. Từ khi được điều động về làm Hiệu trưởng, cô Thúy đã cùng tập thể cán bộ giáo viên áp dụng những sáng tạo trong giảng dạy. Nhà trường thực hiện việc đánh giá chất lượng giáo viên qua việc kiểm tra chất lượng học tập của học sinh. Đây là sáng tạo do cô nghĩ ra và áp dụng vào nhà trường từ nhiều năm nay. Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của nhà trường trực tiếp coi chấm bài tập của học sinh để đánh giá giáo viên. Bởi vậy, công tác kiểm tra, đánh giá giáo viên không phải vất vả như trước đây mà được đánh giá một cách thực chất, khách quan hơn. Cô cũng là người phát động phong trào tự học trong cán bộ, giáo viên, học hỏi đồng nghiệp, trong sách vở, trên mạng... Mỗi thầy cô ở đây đều có một cuốn sổ tự học. Bản thân cô Thúy là người gương mẫu trong thực hiện.

Cô giáo Triệu Thị Thu Hà cho biết, ngoài thời gian lên lớp, cô tranh thủ tự đọc sách. Thấy cái gì hay, bổ ích cho bài giảng và các em học sinh cô đều ghi vào cuốn sổ tự học để nhớ. Cô Hà mở cuốn sổ dày dặn đã ghi được hơn một nửa từ đầu năm học đến nay, từng nét chữ nắn nót, rành rọt như gửi bao tâm huyết của cô. Cô Hà bảo: “Cả đồng chí Hiệu trưởng, Hiệu phó cũng phải tự học, có cuốn sổ tự học. Chúng tôi học tập lẫn nhau. Là đảng viên, mình luôn phải nêu cao tinh thần tự học thì các em mới nhìn vào cô để làm theo”. Bằng sự nỗ lực hết mình, luôn áp dụng nhiều phương pháp trong giảng dạy để phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh nên nhiều năm liên tục, cô Hà là giáo viên dạy giỏi. Năm học vừa qua, cô là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Trường Tiểu học Tân Thịnh nhiều năm luôn đạt danh hiệu lao động xuất sắc, có nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh. 

Trường THCS Phúc Thịnh, xã Phúc Thịnh được xem là ngôi trường đã “thay da, đổi thịt” hẳn trong những năm học gần đây. Thầy giáo Nguyễn Văn Khanh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng là người hài hước. Chẳng còn bao lâu nữa, thầy Khanh về hưu, nhưng sự nhiệt tình và câu nói làm hết trách nhiệm luôn luôn là nguyên tắc làm việc của thầy. Cô giáo Trịnh Thúy Quỳnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường nói: “Chính tinh thần nêu gương của đồng chí Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường đã mang lại một động lực mới để chúng tôi học tập. Không chỉ khuôn viên, cơ sở vật chất nhà trường được thay đổi mà nền nếp và nhiều việc trước đây không ai quan tâm đến đã được thầy Khanh lăn lộn để làm”.

Cô Quỳnh nhớ những ngày đầu thầy từ trong Trung Hà chuyển ra Phúc Thịnh công tác, để cải tạo lại khuôn viên nhà trường xanh, sạch, đẹp như bây giờ, thầy Khanh cùng các đảng viên trong chi bộ phải đi chở từng cây cảnh, từng bao đất. Đi đâu có cây hoa nào đẹp, thầy cũng xin về trồng trong trường. Thế rồi, công trình nhà vệ sinh cho học sinh cũng được thầy quan tâm chỉ đạo lắp đặt đầy đủ các thiết bị trong nhà vệ sinh rồi thuê lao động vệ sinh nhà vệ sinh hàng ngày để công trình vệ sinh không còn là nỗi ám ảnh của học sinh. Ngày đầu khi thầy bàn bạc với các thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh trích kinh phí để lắp đặt thiết bị trong nhà vệ sinh, nhiều người lo lắng vì sợ học sinh sẽ phá phách. Nhưng thầy Khanh khẳng khái: “Chúng ta cứ làm đi, các em sẽ không phá đâu”. Cho tới nay, công trình nhà vệ sinh ở trường THCS Phúc Thịnh khang trang, sạch sẽ chẳng khác gì một số trường dưới thành phố. Cũng từ nguồn xã hội hóa, thầy Khanh lại bàn với tập thể nhà trường và phụ huynh học sinh đầu tư hệ thống máy lọc nước nóng, lạnh, làm khu uống nước cho các em học sinh trong giờ ra chơi.

Buổi chiều cuối thu nhưng trời vẫn nắng gắt, nhưng đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh của trường đã tập trung tại nghĩa trang liệt sỹ của xã để xới cỏ cho đồi lát và cây gai. Cô Quỳnh cho biết, 500 cây lát ở đây và toàn bộ cây lá gai là do nhà trường xin chính quyền địa phương được phép trồng để tạo bóng mát cho nghĩa trang. Trước đây, khu vực này không có cây bóng mát. Đây cũng là ý tưởng của thầy hiệu trưởng. Đồi lát được thầy cô và học sinh nhà trường trồng trong hai năm học. Việc làm này cũng là một cách tri ân các liệt sỹ, đồng thời cũng là nơi để giáo dục truyền thống cho các em học sinh. Cô Quỳnh kể, ban đầu thầy Khanh đưa ra ý tưởng, một số ý kiến cho rằng trồng cây ở đây chắc chắn sẽ bị nhổ, bị trâu bò phá nhưng nhà trường vẫn quyết tâm làm. Thầy Khanh và các thầy cô giáo hết giờ học lại mang lát lên đồi trồng. Lần đầu và lần thứ hai, một số cây cũng bị trâu, bò phá hoại, thầy cô và các em lại tiếp tục trồng, đến nay đã thành công. Không chỉ trồng cây bóng mát, các thầy cô và học sinh còn trồng đường hoa lên nghĩa trang.

Nói về những việc đã làm, thầy Khanh chia sẻ: “Muốn xây dựng ngôi trường mạnh thì phải có tổ chức Đảng mạnh, trong đó người đứng đầu cần làm nhiều hơn, phải trực tiếp làm chứ không phải chỉ tay năm ngón. Với suy nghĩ ấy nên chúng tôi hiểu, dù chẳng còn mấy thời gian cống hiến, nhưng còn làm được nhiều hơn cho ngôi trường này từ những việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa đối với học sinh thì vẫn làm”. 

Những tấm gương tiên phong, đảm nhận những công việc hết sức ý nghĩa của nhiều đơn vị, cấp ủy đảng trong trường học ở Chiêm Hóa đã cho thấy ở đâu có tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên thì ở đó thực sự có những đổi thay tích cực và mang lại nhiều chuyển biến trong công tác dạy và học.

TQĐT

Tin cùng chuyên mục