Chuyện những người thu mua phế liệu

Từ nhiều năm trở lại đây, trên những con đường, ngõ phố hay tận các thôn bản xa xôi, người dân ở huyện vùng cao Chiêm Hóa không khó để nhìn thấy những người cùng với chiếc xe đạp, xe máy rong ruổi đi thu mua phế liệu, cái nghề mà “mua của người chán, bán cho người cần”. Theo mỗi vòng bánh xe trong cuộc mưu sinh vất vả này là tiếng giao của họ đã trở thành quá đỗi quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày.

Anh Bùi Xuân Tráng sau một chuyến đi thu mua phế liệu trở về.

Vợ chồng anh Bùi Xuân Tráng, chị Phùng Thị Thu Hương quê xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã làm giầu bằng nghề thu mua phế liệu, sắt thép cũ ở huyện Chiêm Hóa từ nhiều năm nay. Trò chuyện với chúng tôi, anh Tráng cho biết: trước kia khi mới lập gia đình, vợ chồng anh chị quanh năm với đồng ruộng mà vẫn nghèo, vì thế vợ chồng anh quyết tâm rời quê lên Chiêm Hóa, theo chân người anh trai ruột có thâm niên làm nghề này để mưu sinh. Trong năm đầu tiên, cùng với chiếc xe máy và đồ nghề rất đơn gian như vài chiếc bao tải, cân móc nhỏ, hàng ngày hai vợ chồng anh Tráng rong ruổi đi khắp nơi trong huyện để tìm kiếm thu mua phế liệu, từ những chiếc lon bia, vỏ nhựa, giấy vụ, nhôm đồng, sắt vụ đến những chiếc quạt, ti vi, nồi cơm hỏng đều được thu mua và phân loại rõ ràng. Nghề thu mua phế liệu không còn xa lạ với bất kỳ ai nhưng không phải ai cũng có thể làm được, bởi còn đòi hỏi cả sự kiên trì, nhẫn nại và bền bỉ. Làm nghề này, không cần phải bỏ quá nhiều vốn, bởi thế mà người ta vẫn hay đùa với anh chị “vốn ăn mày, lãi quan viên”. Anh Tráng cho biết thêm: nghề này không kén chọn tuổi tác, miễn sao là có sức khỏe và chịu khó, khi thu mua phế liệu cứ “thuận mua, vừa bán”, người nào khéo léo thì mua được nhiều thậm chí thành quen, khi cần bán chủ nhà gọi điện thoại là anh chị đến tận nơi, điều quan trọng là phải thật thà. Hôm nào thuận lợi thì mua nhiều, nhưng có khi đi cả ngày cũng không mua được, nói chung ngày nọ bù ngày kia, ngày được nhiều nhất anh chị thu mua được 2 tạ đến 2 tạ rưỡi phế liệu. Cứ 2 tháng anh chị lại đóng 1 chuyến hàng từ 8 đến 10 tấn phế liệu về miền xuôi bán. Bình quân mỗi năm, anh chị cũng thu về gần 100 triệu đồng tiền lãi.

Chị Phùng Thị Thu Hương phân loại phế liệu sau mỗi buổi thu mua.

Sau vài năm gắn bó với công việc thu mua phế liệu, hiện nay hai vợ chồng anh đã mở được cơ sở chuyên thu mua tại nhà ở thôn Phố Chinh, xã Vinh Quang. Hàng ngày anh Tráng vẫn tiếp tục đi thu mua, còn chị Hương vợ anh thu mua, phân loại phế loại tại cơ sở. Theo chị Hương, nghề này cũng đòi hỏi phải nhanh nhẹn, tinh ý, nếu không tinh mắt phân loại đồ thì sẽ mua phải những thứ không bán được, hoặc chỉ bán được với giá rẻ, thậm chí thấp hơn cả khi mua vào. Những người làm nghề thu mua phế liệu như anh chị cũng gặp không ít rủi ro, khin hàng ngày tiếp xúc với chất độc hại và nhiều khi trở hàng cồng kềnh cũng khiến nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập nên phải rất cẩn trọng. Nghề thu mua phế liệu cũng có thời vụ, đặc biệt vào dịp Tết âm lịch, gia đình nào cũng dọn dẹp nhà cửa nên có nhiều thứ để bán, còn những ngày khác cũng đều đều như nhau. Khi được hỏi về cuộc sống gia đình, chi Hương chia sẻ: vợ chồng anh chị sinh được hai cô con gái, cháu lớn đang học lớp 1, cháu bé học mẫu giáo, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên anh chỉ gửi hai con ở quê với ông bà nội chăm sóc để lên đây làm ăn.

Vẫn được coi là nghề “mua của người chán, bán cho người cần”, hình ảnh của anh Tráng, chị Hương hay những người chuyên thu mua phế liệu hàng ngày miệt mài với chiếc xe đạp, xe máy trở những đồ phế liệu cũ kỹ trên đường khiến chúng ta biết trân trọng và cảm thông với mỗi nghề. Ai cũng có những lựa chọn công việc cho chính mình để có thể giúp họ cân bằng cuộc sống, bỏ qua những mặc cảm, những ánh nhìn của nhiều người họ vẫn âm thầm lặng lẽ trên con đường, ngõ hẻm để mưu sinh miễn sao họ tìm thấy được niềm vui và sự bình yên trong chính công việc của mình./.

Hải Hà - Quang Huy

Tin cùng chuyên mục