Bà con tái định cư tại xã Tân An vươn lên ổn định cuộc sống

Sau 15 năm di chuyển đến nơi ở mới theo chương trình di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang, cuộc sống của người dân tái định cư ở xã Tân An (Chiêm Hóa) đã đi vào ổn định. Nhân dân yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

Những ngày này, mặc dù trời nắng nóng gay gắt nhưng bà Bàn Thị Hạnh, thôn Tân Cường vẫn không bỏ bê công việc thăm đồng ruộng mỗi ngày. Vuốt nhẹ những giọt mồ hôi trên trán, bà Hạnh bảo, ruộng lúa mới cấy được vài ngày. Những ngày này nắng nóng quá, không thăm đồng thường xuyên sợ ruộng cạn nước sẽ hỏng diện tích mạ chưa kịp bén rễ. Cũng như những hộ trong thôn, khi về định cư, mỗi nhân khẩu được nhận 500 m2 đất canh tác. Nhà bà Hạnh có 8 khẩu nên có đến 4 nghìn m2 đất lúa. Bà Hạnh kể, ngày đầu mới về, kinh tế khó khăn nên vào mùa vụ vất vả lắm bởi không có tiền thuê thêm người làm. Nay cuộc sống đã ổn định, vào mùa vụ bà thuê thêm người hộ gặt, hộ cấy nên mọi việc thuận lợi hơn. Vụ xuân vừa rồi, lúa được mùa, gia đình bà thu hoạch được hơn 60 bao thóc, chất đầy cả một gian nhà.

Ông Triệu Văn San cùng thôn cũng bộc bạch, trước đây ở quê cũ, ruộng chỉ làm được một vụ, nhà nhiều ruộng, nhiều nương cũng chỉ thu hoạch được 50 bao thóc để ăn cho cả năm. Ở đây trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu, không lo thiếu lương thực vào mùa giáp hạt. Không những thế, cày bừa nay đã dùng máy thay trâu nên đỡ vất vả và nhanh hơn nhiều. Ở đây, nhà nào cũng sắm máy cày, máy bừa để sản xuất đúng thời vụ.

Ông Dương Văn Hoạch (bên trái), Trưởng thôn Tân Cường thăm hỏi tình hình sản xuất
của bà con tái định cư trong thôn.

Ông Triệu Văn Thanh, năm nay 67 tuổi nhớ lại, cách đây gần 15 năm, ông cùng bà con về với “xứ Then, Cọi” Tân An định cư, mới đầu cũng loay hoay với việc ổn định cuộc sống nơi ở mới. Có thời điểm, người dân gần như “ăn không ngồi rồi”, chờ trợ cấp cho vùng đất tái định cư. Nhưng được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân bản địa, bà con đã bắt nhịp với cuộc sống mới. Được giao rừng, ông bảo con cháu phải bắt tay ngay vào trồng keo để mấy năm sau là có thể khai thác. Không những thế, ông còn mở thêm cửa hàng tạp hóa nhỏ phục vụ nhu cầu cho bà con, cũng là để kiếm đồng ra đồng vào cho sinh hoạt hàng ngày. Cứ thế đời sống của gia đình ông đã ngày một khấm khá lên.

Ông Thanh tâm sự, thật khó để so sánh giữa nơi ở cũ với nơi ở mới. Quê cũ đất đai rộng hơn, nhưng chẳng biết canh tác nên vẫn thiếu đói liên miên. Nơi ở mới tuy có chật hẹp hơn, nhưng có ruộng 2 vụ lúa, có rừng trồng cây, hạ tầng được đầu tư cơ bản, trẻ nhỏ đi học thuận lợi. Ông Thanh cho rằng, ở vùng đất nào cũng vậy, nếu chịu khó tính toán làm ăn thì cuộc sống sẽ tốt lên thôi. Nếu cứ trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước thì khó mà thoát ra khỏi nghèo đói.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân An, Ma Văn Dũng cho biết, từ năm 2004, xã tiếp nhận 73 hộ, 382 nhân khẩu về tái định cư tại 3 thôn là Tân Hoa, Tân Cường và Tân Hợp. Các hộ đã được giao đất ở, đất sản xuất đầy đủ theo quy định. Đến nay số hộ tái định cư đã tăng lên gần 100 hộ. Gần 15 năm về nơi ở mới cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, bà con ở các điểm tái định cư luôn đoàn kết cùng nhân dân sở tại thi đua lao động, sản xuất, tạo dựng cuộc sống mới. 

Đúng như lời ông Dũng, đi dọc các điểm tái định cư, đã có những ngôi nhà xây mới mọc lên khang trang, với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt, nhiều nhà còn đầu tư máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Anh Triệu Văn Cộc, sinh năm 1990 hiện đang xây nhà mới chia sẻ, về nơi ở mới cùng gia đình cuối năm 2004, nay lấy vợ và ra ở riêng, anh đã tích lũy và vay mượn thêm để xây cất căn nhà mới dự định đến cuối năm sẽ hoàn thành. Anh Cộc cho biết, do mới lấy vợ, ra ở riêng nên chỉ có gần 2 sào ruộng và một ít vườn rừng. Vì thế, không thể chỉ trông cậy vào ruộng vườn mà anh thường xuyên đi làm thuê theo mùa vụ ở trong xã, đồng thời nuôi con gà, con lợn để có thu nhập. Dự tính khi làm nhà xong, anh sẽ đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trong nước để có nguồn thu nhập ổn định hơn và nuôi con ăn học.  

Cuộc sống của bà con tái định cư ở xã Tân An đang bước vào một nhịp sống mới, ổn định hơn, khấm khá hơn. Nhưng đời sống của bà con cũng còn đó những khó khăn. Theo trưởng thôn Tân Cường, Dương Văn Hoạch, bà con tái định cư nay đã hòa nhập hoàn toàn với người dân bản địa, khó khăn với bà con hiện nay là thiếu nước sinh hoạt do công trình nước sạch đầu tư phục vụ bà con tái định cư nay đã xuống cấp, lại không được tu sửa, bảo dưỡng. Nhiều hộ đã khắc phục bằng khoan giếng, nhưng do đặc thù địa hình, nhiều gia đình khoan đến vài lần vẫn không có nước. Rất mong được các ngành liên quan, quan tâm và có giải pháp giúp đỡ bà con.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục