Trung tâm dạy nghề Chiêm Hóa: đào tạo nghề Đi đôi với phát triển kinh tế bền vững cho lao động nông thôn

Những năm trở lại đây, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Chiêm Hoá đã có nhiều chuyển biến tích cực. Với chức năng của mình, Trung tâm dạy nghề huyện Chiêm Hoá đã phát huy được vai trò, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với điều kiện thực tế ở từng địa phương qua đó góp phần giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động ở nông thôn.

Được Trung tâm dạy nghề huyện Chiêm Hóa về mở lớp đào tạo nghề tại thôn, chị Ma Thị Thái cùng với 34 học viên trong thôn Đồng Quắc, xã Bình Nhân rất phấn khởi khi được tham gia lớp học chăn nuôi gia súc gia, cầm này. Với kiến thức học tập được, chị Thái đã áp dụng hiệu quả ngay với mô hình chăn nuôi lợn của gia đình mình, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định đời sống gia đình. Chị Thái cho biết, thông qua lớp học đã giúp chị trau dồi thêm rất nhiều vốn kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi và cách phòng trị bệnh cho các loại gia súc, gia cầm trong gia đình mình. Tham gia lớp học chị và bà con trong thôn còn được học về phương pháp chọn giống, làm chuồng trại, trộn thức ăn thích nghi với từng loại vật nuôi, thực hiện được các thao tác và chọn các loại thuốc phòng và trị bệnh cho vật nuôi.

 Chị Ma Thị Thái  thôn Đồng Quắc, xã Bình Nhân áp dụng kiến thức đã học vào mô hình chăn nuôi của gia đình.

Còn với anh Lý Văn Tảo, thôn Tông Đình, xã Kim Bình, sau 2 năm kết hợp giữa vốn kiến thức học được từ lớp đào nghề cùng vốn kinh nghiệm học tập trong thực tiễn, mô hình chăn nuôi gà thương phẩm của anh đã thu lại nguồn lợi nhuận khá cho gia đình. Từ vốn kiến thức nắm bắt được qua lớp học, lại sát với điều kiện thực tế của gia đình có đất vườn rộng, nguồn thức ăn sẵn có, từ số vốn ban đầu 30 triệu đồng do gia đình tích góp được, anh đã xuống Viện chăn nuôi – Hà Nội để mua con giống với về nuôi. Mỗi lứa anh duy trì từ 600 con trở lên. Nhờ chăm chút tốt nên đàn gà lớn nhanh, phát triển đều và không bị dịch bệnh, chỉ sau 4 tháng là cho ra thị trường. mỗi năm ít nhất, gia đình anh cũng xuất ra thị trường 2 lứa, trừ chi phí cũng thu về cho gia đình anh khoảng 70 đến 80 triệu đồng. Anh Tảo rất phấn khởi với thành quả đạt được, từ lớp dạy nghề về tới thôn bản đã giúp cho gia đình anh cùng nhiều hộ dân trong thôn có hướng phát triển kinh tế đúng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Các lao động nông thôn thông qua các chương trình đào tạo nghề đã có việc làm tại chỗ.

Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giúp người dân có cơ hội tìm việc làm và phát triển kinh tế. Trong năm 2014, Trung tâm dạy nghề huyện Chiêm Hoá đã phối hợp với Phòng LĐTB và XH huyện mở 14 lớp dạy nghề cho 480 lao động, trong đó, nghề phi nông nghiệp 5 lớp, nghề nông nghiệp 9 lớp. Các lớp dạy nghề được mở đều được chú trọng hướng về các xã vùng sâu vùng xa, ở các thôn bản có điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt các học viên tham gia các lớp dạy nghề chủ yếu nằm trong diện hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số. Với các ngành nghề đào tạo chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm, ngành nghề sản xuất kinh doanh, điện dân dụng, trồng nấm, nuôi trồng thủy sản và cơ khí, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mở ra nhiều hướng đi mới cho lực lượng lao động ở các vùng khó khăn, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. 

Với những kết quả đạt được trong tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần vào việc đẩy mạnh các phong trào phát triển kinh tế ở nhiều địa phương, nhiều hộ gia đình nghèo đã vượt khó đi lên, các mô hình gia trại, trang trại được nhân rộng, đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

     

Văn Linh - Huy Dương

Tin cùng chuyên mục