Ông chủ chuỗi nhà hàng hải sản

Học xong trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2011, anh Nguyễn Văn Minh, dân tộc Tày ở thôn Bản Ba, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) may mắn được tuyển dụng vào làm việc tại một ngân hàng ở Hà Nội. Cái duyên với nghiệp kinh doanh bắt đầu từ đó khi anh mạnh dạn đầu tư thuê lại hệ thống khách sạn, nhà nghỉ của những ông chủ đang làm ăn sa sút.

Anh Minh (ngoài cùng bên trái) trao đổi với nhân viên kỹ năng lựa chọn thực phẩm an toàn.

Anh Minh tâm sự, cuộc sống quê nhà khó khăn, bức bách khiến anh càng phải nỗ lực để tạo lập sự nghiệp. Năm 2013, anh tình cờ quen chủ khách sạn ở 17A Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang muốn cho thuê lại khách sạn. Khách sạn 7 tầng, 23 phòng, đường vào rộng và có chỗ để ô tô. Đây là điều quan trọng nhất để thu hút khách nghỉ. Nhận thấy tiềm năng đó, anh đã quyết định thuê lại khách sạn với giá 50 triệu đồng/tháng, mỗi quý trả tiền một lần và đặt cọc trước 200 triệu đồng. Anh được ngân hàng nơi mình làm việc cho vay vốn tín chấp qua lương, vậy nên mọi việc suôn sẻ. 

Sau khi tiếp nhận khách sạn, anh cải tổ mô hình hoạt động, tuyển nhân sự mới, đầu tư sơn lại khách sạn, cải tạo các nhà vệ sinh, thay toàn bộ chăn ga gối đệm. Sau buổi đi làm về, anh trực tiếp quản lý khách sạn, lên mạng tìm đọc thêm kỹ năng kinh doanh dịch vụ khách sạn, phục vụ khách nhiệt tình, vậy nên anh đã thu về khoản lợi nhuận khá, có tháng thu lãi đến 50 triệu đồng. Đến năm 2015, anh tiếp tục thuê lại 2 khách sạn, nhà nghỉ ở phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, tiến hành cải tạo, nâng cấp các dịch vụ tạo được dấu ấn với khách. 

Không bằng lòng với những gì đã làm được năm 2016, anh bán toàn bộ hệ thống khách sạn để hùn vốn mua lại một nhà hàng ở quận Cầu Giấy để kinh doanh ẩm thực vùng Tây Bắc. Anh bảo, đây là quyết định khá nóng vội khi chưa có kinh nghiệm về lĩnh vực này, mọi việc đều phụ thuộc vào đầu bếp nên thua lỗ nặng nề. Trong 3 tháng đầu, anh lỗ gần 500 triệu đồng, cửa hàng phải dừng hoạt động. Anh đóng cửa cửa hàng 3 tháng liền, bắt tay nghiên cứu thị trường làm lại từ đầu. Anh đi nhiều nơi, đến nhiều cửa hàng ẩm thực và nhận ra rằng, ẩm thực hải sản vẫn là món ăn hấp dẫn khách hàng nhất. Anh đi học lớp Maketing, đăng ký quảng cáo trên Google adwords và thành lập fanpage trên facebook, nhờ đó khách đến với anh khá đông, có tháng đạt doanh thu 700 triệu đồng. Theo anh, điều quan trọng nhất trong kinh doanh ẩm thực là tiêu chí an toàn thực phẩm. Anh lựa chọn những đơn hàng có truy xuất nguồn gốc, có hợp đồng, ngày càng tạo được uy tín với khách hàng. Hiện nay, anh tham gia quản lý kinh doanh ẩm thực với 2 nhà hàng ở Hà Nội.

Năm 2017, một lần về thành phố Tuyên Quang thăm người thân, anh được người bạn giới thiệu một số địa điểm kinh doanh ẩm thực và ý định mở chuỗi nhà hàng hải sản ở thành phố Tuyên Quang bắt đầu từ đó. Anh thuê lại toàn bộ khách sạn ASEAN cũ tại số 217, đường Trường Chinh, phường Ỷ La, cải tạo không gian tổ chức sự kiện, phòng ăn, tuyển chọn đầu bếp và nhân viên kinh nghiệm và bắt đầu vận hành nhà hàng King Seafood từ tháng 1-2018. Chuỗi nhà hàng Tuyên Quang - Hà Nội đã lấy toàn bộ thời gian của anh nên phải nghỉ việc ở ngân hàng để trọn vẹn với hoạt động kinh doanh. Nhà hàng King Seafood tạo việc làm cho 12 lao động địa phương mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. 

Anh Minh tâm sự, phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với kinh nghiệm có được, anh sẽ vượt qua, gây dựng nhà hàng có uy tín, thương hiệu, cung cấp cho khách hàng nhiều sự lựa chọn dịch vụ ẩm thực hấp dẫn.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục