Hòa An phủ xanh đất trống đồi núi trọc

Những năm qua, xã Hòa An (Chiêm Hóa) đạt nhiều thành tích trong công tác phát triển rừng. Đến nay, nhiều diện tích đất trống đồi núi trọc đã phủ kín màu xanh của rừng với hàng trăm ha keo, bồ đề, mỡ...

Ông Hà Công Trinh, Chủ tịch UBND xã Hòa An cho biết: Công tác trồng rừng của xã được triển khai trên diện rộng. Hòa An hiện có tổng diện tích đất tự nhiên là 2.389,53 ha, trong đó diện tích đất có rừng 1.377 ha. Từ đầu năm đến nay, toàn xã đã hoàn thành trồng 48 ha rừng, đạt 100% kế hoạch, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó trồng rừng phân tán 3 ha, trồng rừng tập trung 45 ha. Hiện nay, toàn xã có 1.246 hộ, trong đó có khoảng 80% số hộ có rừng trồng. 

Ông Lục Văn Hành, thôn Chắng Hạ chăm sóc rừng keo của gia đình.

Để nâng cao chất lượng rừng trồng, chính quyền địa phương đã phối hợp với Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa và cơ sở sản xuất cây giống có uy tín cung cấp nguồn giống cây đảm bảo cho người dân. Hiện xã có 2 vườn ươm khoảng 400 m2 đủ điều kiện để nhân số lượng giống cây trồng cho bà con. Các giống cây trồng hiện nay chủ yếu là mỡ, bồ đề, keo. UBND xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa kiểm tra chặt chẽ việc trồng rừng của các hộ gia đình, xử lý nghiêm các vụ khai thác lâm sản trái pháp luật. Từ đầu năm đến nay, đã phát hiện, lập biên bản xử lý 3 vụ, Hạt Kiểm lâm huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. 

Ông Bùi Văn Hà, công chức địa chính xây dựng giao thông nông nghiệp và nông thôn mới xã Hòa An cho biết: Năm 2017, thôn Chắng Hạ có diện tích rừng trồng nhiều nhất xã, toàn thôn có 4 ha rừng trồng. Trong đó rừng trồng mới 0,3 ha, 3,5 ha là diện tích rừng trồng lại, rừng phân tán chiếm 0,2 ha. Đầu năm 2018, diện tích rừng trồng của thôn đã tăng lên 4,4 ha. Tiếp đến là thôn Làng Mới có tổng diện tích rừng trồng 3,9 ha, hiện nay đã tăng lên 4,2 ha. Nhìn chung diện tích rừng trồng các thôn năm sau cao hơn năm trước do người dân tận dụng đất đai trồng rừng.

Gia đình ông Lục Văn Hành là hộ có diện tích rừng trồng nhiều nhất thôn Chắng Hạ. Ông Hành chia sẻ: Khi chưa trồng keo, 6 ha đất đồi của gia đình là rừng tái sinh cây gỗ hỗn tạp, mỗi năm khai thác chỉ thu nhập 5 triệu đồng. Năm 2009, sau khi được xã hỗ trợ giống cây, gia đình phá bỏ rừng tái sinh để trồng keo. Ông được tập huấn kỹ thuật trồng rừng, tích cực học hỏi kiến thức, sau 6 năm đầu tư có hiệu quả, năm 2015 gia đình ông được khai thác 4 ha rừng keo, thu lãi 100 triệu đồng. Hiện nay, ông đã mở rộng diện tích rừng keo lên 6,2 ha, kết hợp đầu tư chăn nuôi 300 con gà. Ông Hành phấn khởi cho biết, 2 năm nữa vườn keo mới trồng sẽ cho khai thác, ước tính thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Có thu nhập từ trồng rừng mà gia đình ông đã thoát nghèo, cuộc sống đầy đủ hơn.

Chỉ tay về phía đồi bát ngát, phủ kín màu xanh của hơn 3 ha rừng keo, bà Đoàn Thị Loan, thôn Tông Xoong phấn khởi nói: Năm 2017 bà khai thác 3 ha keo thu lãi 180 triệu đồng. Trước kia chưa biết trồng rừng, diện tích đất đồi chỉ trồng sắn, xả thu nhập không đáng là bao, cuộc sống vất vả thiếu thốn. Từ ngày có thu nhập từ trồng rừng cuộc sống khá hơn, có đồng ra đồng vào ổn định, xây dựng được ngôi nhà cấp 4 khang trang. Sắp tới gia đình sẽ đầu tư mở rộng diện tích trồng keo và mỡ. 

Từ thu nhập trồng rừng cuộc sống người dân xã Hòa An ổn định hơn, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân trong vùng, thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. Năm 2016, xã có 745 hộ nghèo, năm 2017 giảm được 72 hộ, dự kiến năm 2018 tiếp tục giảm thêm 113 hộ nghèo. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng từ việc xã đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục