Khoang vùng, dập dịch tả lợn châu Phi

Ngày 21-5, trang trại chăn nuôi của gia đình bà Nguyễn Thị Thái, thôn Vĩnh Bảo, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) đã có 12 con lợn chết, 53 con lợn ốm nặng không tìm ra nguyên nhân. Phát hiện dấu hiệu lợn chết bất thường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã lấy mẫu lợn chết, ốm gửi đi xét nghiệm. Kết quả, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương xác định, 6/6 mẫu bệnh phẩm dương tính (mắc) với bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Một ngày sau khi DTLCP xảy ra trên đàn lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Thái, thôn Vĩnh Bảo, xã Vinh Quang vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót. Theo bà Thái, đàn lợn của gia đình đang phát triển khỏe mạnh, bỗng dưng nôn ra máu, dịch rồi chết. Nhiều năm chăn nuôi, chưa năm nào bà thấy dịch khủng khiếp như vậy, toàn bộ từ lợn nái đến lợn thịt trị giá hàng trăm triệu đồng giờ không còn con nào.


Lực lượng chức năng vận chuyển lợn bệnh đi tiêu hủy.

Theo nhận định ban đầu của các cơ quan chuyên môn, trang trại xảy ra dịch bệnh nằm ở cuối thôn, xa khu dân cư, xung quanh là đất trồng cây nông nghiệp, xa đường giao thông chính, để xác định được nguyên nhân dịch xâm nhiễm là vô cùng khó khăn. Điều đó cho thấy bệnh dịch diễn biến bất thường, tốc độ lan rất nhanh và phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, thực hiện các biện pháp cấp bách khống chế, dập dịch ở phạm vi hẹp, chi cục đã cùng với lực lượng chức năng huyện Chiêm Hóa, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) và một số cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 166 con đã bị nhiễm bệnh của gia đình bà Nguyễn Thị Thái, trong đó có 3 lợn nái, 163 lợn thịt theo đúng quy định. Đồng thời, đã cấp 100 lít hóa chất để phục vụ công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực tiêu hủy, ổ dịch và toàn bộ địa bàn. 

UBND huyện Chiêm Hóa cũng đã khẩn trương lập chốt kiểm soát, nghiêm cấm người dân bán chạy lợn bệnh, không vứt xác động vật ra môi trường; thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh, bị chết theo đúng quy định; tiến hành rà soát, thống kê tổng đàn lợn, vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ thôn Vĩnh Bảo và các thôn giáp ranh. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đến người dân để mọi người hiểu rõ tính chất nguy hiểm của bệnh, chủ động, tự giác, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo ông Trần Ngọc Tú, Trưởng thôn Vĩnh Bảo, 30 hộ chăn nuôi lợn của thôn thực hiện đúng quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đối với cả người, phương tiện. 

Khống chế, không để dịch lan ra diện rộng, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn hỏa tốc yêu cầu các huyện, thành phố chưa xảy ra dịch bệnh khẩn cấp thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Các huyện, thành phố thông tin đầy đủ để người dân và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của DTLCP và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống. Người tiêu dùng không hoang mang, tẩy chay, quay lưng với sản phẩm từ lợn và thịt lợn, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi; áp dụng đồng bộ các biện pháp hành chính, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm bệnh vào địa bàn. Cơ quan chức năng thực hiện ngay các biện pháp kỹ thuật, lấy mẫu, giám sát phát hiện sớm, cảnh báo nhanh và có biện pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả không để dịch lây lan rộng. Đồng thời thành lập đội ứng phó nhanh, chủ động xử lý khi dịch bệnh xâm nhập địa bàn.


Nhân viên chốt kiểm dịch Sơn Nam (Sơn Dương) phun thuốc khử trùng các phương tiện đi vào địa bàn.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật của tổ kiểm tra liên ngành, cán bộ túc trực 24/24 kiểm soát tất cả các phương tiện vận chuyển, buôn bán gia súc; các phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn không có giấy kiểm dịch vào tỉnh đều bị ngăn chặn không được đi vào tỉnh. Công tác phun thuốc tiêu độc, khử trùng đối với các phương tiện vận chuyển gia súc vào địa bàn, các chợ và cơ sở giết mổ vẫn được duy trì.

Hiện đội ngũ cán bộ thú y đã cử về các xã, thị trấn hỗ trợ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của dịch bệnh; vận động nhân dân thực hiện “5 không” khi phát hiện có dịch (không giấu dịch; không buôn bán vận chuyển; không giết mổ; không vứt xác lợn chết, bị dịch; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để làm thức ăn cho lợn). 

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thống kê chưa đầy đủ, tổng đàn lợn của tỉnh đang ở mức gần 600 nghìn con, trong đó có khoảng 30% đàn lợn đang trong độ tuổi xuất chuồng. Tại các địa phương chưa xảy ra dịch bệnh, đồng thời với công tác phòng, chống dịch bệnh, người chăn nuôi cần liên kết hỗ trợ nhau tiêu thụ lợn đã đến kỳ xuất chuồng, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lợn lưu chuồng để giảm chi phí đầu tư cũng như thiệt hại nếu có dịch xảy ra. Bảo đảm an toàn đàn lợn và hiệu quả kinh tế, người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng; làm đường băng di chuyển đàn lợn ra khỏi chuồng nuôi trước khi xuất bán để hạn chế dịch bệnh xâm nhiễm.

Theo TQOL

Tin cùng chuyên mục