Quyết liệt dập dịch tả lợn châu Phi và ngừa lây lan

Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp, sau 5 ngày ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở xã Vinh Quang, tại các huyện Hàm Yên, Sơn Dương và Chiêm Hóa liên tiếp xuất hiện những ổ dịch mới.

Báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y trên phạm vi cả nước tính đến ngày 25-5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra ở trên 2.800 xã của 256 huyện thuộc 43 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là trên 1,8 triệu con.


Lực lượng dân quân xã Đức Ninh (Hàm Yên) hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Văn Phượng, thôn 20 tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Tại tỉnh ta, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện vào ngày 21-5 tại thôn Vĩnh Bảo, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa), sau 5 ngày đã có thêm nhiều ổ dịch mới được phát hiện tại các thôn Tiên Hóa 1, Tiên Hóa 2, Tiên Quang 1 và Quang Hải, xã Vinh Quang. Xã Thiện Kế (Sơn Dương) ngày 24-5 cũng đã phát hiện 2 ổ dịch ở 2 thôn Thai Bạ và Thiện Tân của 5 hộ gia đình. Cùng ngày 24-5, xã Đức Ninh (Hàm Yên) cũng đã phát hiện ổ dịch tả lợn tại 1 hộ gia đình tại thôn 20. Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến thời điểm này đã có 3 huyện gồm: Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương công bố có dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy 323 con.   

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, dịch tả lợn châu Phi hoàn toàn không lây sang người. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, không quay lưng với thịt lợn. Nhưng lo ngại lớn nhất hiện nay là dịch lan rộng, diễn biến bất thường, đặc biệt chưa có vắc xin phòng, chống nên việc bao vây, khoanh vùng, khống chế, dập dịch gặp rất nhiều khó khăn. Do tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư, nhiều trang trại chưa áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thực tế qua kiểm tra, một số hộ chăn nuôi quy mô lớn vài trăm con trở lên nhưng hệ thống chuồng trại rất tạm bợ, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y. 


Lấy mẫu bệnh phẩm lợn ốm tại gia đình ông Nguyễn Long Xuân, thôn Đồng Tân,
xã Bình Nhân (Chiêm Hóa).

Hạn chế dịch phát sinh, phát tán trên diện rộng, người dân tuyệt đối không được giết thịt lợn nhiễm bệnh. Lợn giết thịt làm thực phẩm phải khỏe mạnh, có kiểm dịch của cơ quan thú y và được nấu chín kỹ trước khi ăn; tuyệt đối không tới tham quan khu chăn nuôi lợn, đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng. Khi phát hiện lợn chết phải báo ngay cho cơ quan chức năng. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác khống chế, dập dịch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Các ngành chuyên môn trực tiếp về địa phương kiểm tra, chỉ đạo, kiểm soát dịch hiệu quả, đặc biệt là công tác dập dịch. Lãnh đạo các địa phương quyết liệt vào cuộc và phải chịu trách nhiệm về hoạt động phòng, chống dịch; huy động các lực lượng chủ động giám sát, phát hiện và tiêu hủy triệt để lợn dịch; tổ chức lực lượng, trong đó lực lượng thú y là nòng cốt để kiểm tra, theo dõi giám sát dịch tả lợn châu Phi đến từng hộ, cơ sở chăn nuôi, thôn, xóm, bản; trong trường hợp phát hiện bệnh dịch phải kịp thời báo cáo, nghiêm cấm giấu dịch. Tỉnh cũng yêu cầu ngành chuyên môn, địa phương hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh và chăn nuôi an toàn sinh học; người dân có lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy ngay. Tỉnh cũng đã có kế hoạch hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo đúng quy định của Nhà nước. 

Ghi nhận tại các địa phương phát sinh ổ dịch, ngoài việc tiêu hủy lợn bệnh, công tác vệ sinh, giám sát đàn lợn đang được thực hiện nghiêm túc, tránh tình trạng người dân tiếc của bán chạy lợn dịch. Vùng bị uy hiếp (phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch) tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ trại 1 lần/ngày trong 7 ngày đầu tiên, 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Vùng đệm (phạm vi 10km xung quanh ổ dịch) vệ sinh tiêu độc, khử trùng với tần suất 1 tuần/lần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có dịch… 

Theo TQOL

Tin cùng chuyên mục