Chiêm Hóa tạo đà cho kinh tế trang trại phát triển

Từ năm 2010 đến nay, kinh tế trang trại của huyện Chiêm Hóa đã có sự phát triển rõ nét, số trang trại, gia trại ngày càng tăng cả về số lượng và quy mô hoạt động.

Trang trại nuôi lợn của gia đình bà Hà Thị Cam, thôn Bản Ba, xã Tri Phú (Chiêm Hóa)
cho thu lãi từ 100 - 200 triệu đồng/năm.

Đến giữa tháng 9-2016, toàn huyện có 42 hộ gia đình được UBND huyện cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại chăn nuôi, lâm nghiệp, tổng hợp, tập trung nhiều ở các xã: Vinh Quang, Kim Bình, Ngọc Hội…

Để tạo điều kiện cho các chủ trang trại tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo cơ chế chính sách của tỉnh, UBND huyện Chiêm Hóa đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính cũng như kịp thời giải ngân nguồn vốn vay tới người dân. Đến giữa tháng 9-2016, Agribank Chiêm Hóa đã giải ngân hơn 5 tỷ đồng cho 21 trang trại vay vốn.

Cụ thể, xã Vinh Quang có 7 trang trại, số dư nợ hơn 1,8 tỷ đồng; xã Ngọc Hội 4 trang trại, số dư nợ hơn 1 tỷ đồng; xã Kim Bình 2 trang trại, số dư nợ 600 triệu đồng. Các xã Phú Bình, Yên Nguyên, Bình Nhân, Trung Hà, Trung Hòa, Hòa Phú, Xuân Quang và thị trấn Vĩnh Lộc mỗi xã có một trang trại vay số tiền từ  100 - 500 triệu đồng/trang trại. Nguồn vốn vay đã kịp thời giúp các trang trại phát triển sản xuất và mở rộng quy mô.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thái, thôn Vĩnh Bảo, xã Vinh Quang nuôi lợn từ nhiều năm nay. Mấy năm gần đây bà Thái mở rộng quy mô chăn nuôi và phát triển theo mô hình kinh tế trang trại có quy mô trên 2.000 m2, ước tính có thể nuôi được hơn 1.000 con lợn thịt. Hiện trang trại của gia đình bà Thái đang nuôi 60 con lợn nái và trên 600 con lợn thịt. Nhờ có Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh mà bà Thái được vay 400 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sửa sang chuồng trại và chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn.

Thay vì mua thức ăn cho lợn qua các đại lý, bà Thái mua trực tiếp từ công ty kinh doanh thức ăn chăn nuôi, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và mua bảo hiểm cho lợn. Theo tính toán của bà Thái, một lứa lợn sau 3 tháng có thể xuất chuồng, lãi trung bình đạt 1 triệu đồng/con. Thu nhập từ trang trại chăn nuôi lợn của bà Thái hơn hẳn so với những hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trước kia. 

Đến thăm trang trại lợn của bà Hà Thị Cam, thôn Bản Ba, xã Tri Phú, một trong những trang trại được hình thành từ khá sớm trong xã. Mô hình trang trại lợn với tổng đàn lợn hơn 100 con lợn thịt và 5 con lợn nái. Trao đổi với chúng tôi, bà Cam cho biết: Phát triển kinh tế trang trại là một hướng đi đúng, đã giúp gia đình bà vươn lên làm giàu. Mỗi năm gia đình xuất bán được từ 3 - 4 lứa lợn thịt, thu lãi trên dưới 1 triệu đồng/con.

Nhiều năm chăn nuôi lợn có lãi nên nguồn vốn của gia đình đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi hiện tại. Tuy nhiên, khi có chính sách cho vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế trang trại của tỉnh thì bà đã chủ động làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận trang trại để đủ điều kiện khi cần tiếp cận nguồn vốn vay mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện nay, ngoài việc tập trung chăn nuôi lợn bà đang chuẩn bị làm các thủ tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang đào ao thả cá…

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa Ma Phúc Khứu cho biết: Trong 3 năm trở lại đây, cùng với quy hoạch, hình thành các vùng chuyên canh tập trung, huyện Chiêm Hóa cũng tuyên truyền và khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, tạo điều kiện thuận lợi và có các cơ chế chính sách để người dân mở rộng quy mô đầu tư sản xuất.

Với lợi thế về đất đai, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình kinh tế trang trại. Trên cơ sở đó, huyện đã khuyến khích, tạo điều kiện, rà soát thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho các hộ có nhu cầu. 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục