Đồng thuận, tin tưởng vào Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình

Những ngày này, khắp thôn bản trên địa bàn xã Phúc Sơn người dân đều nói chuyện về việc điều chỉnh địa giới hành chính hai xã Phúc Sơn và Minh Quang của huyện Chiêm Hóa sang huyện Lâm Bình. Đội ngũ cán bộ thôn cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua buổi họp thôn hay đến từng nhóm hộ để truyền tải nội dung, mục đích và ý nghĩa của chủ trương này.

Chị Hoàng Thị Mai, Bí thư Chi bộ thôn Noong Cuồng, xã Phúc Sơn cho biết, thôn có trên 100 hộ dân, trong đó có 50% là đồng bào di dân tái định cư, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30%. Những năm qua, nhân dân trong khu dân cư luôn sống đoàn kết, chấp hành tốt mọi chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đoàn kết giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từ nhiều ngày qua, ngay khi có chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính, các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận thôn Noong Cuồng đã tổ chức tiến hành họp thôn và triển khai các bước theo quy định. Hầu hết người dân ở đây đều nắm được thông tin và bày tỏ sự đồng thuận,  tin tưởng vào Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Chiêm Hóa và Lâm Bình. 

Tổ công tác của BTV huyện ủy tuyên truyền cho người dân về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình.

Xã Phúc Sơn và xã Minh Quang là 02 xã thuộc huyện Chiêm Hóa, cùng với 03 xã Hồng Quang, Thổ Bình và Bình An của huyện Lâm Bình tạo thành cụm các xã, có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông bởi cùng nằm trên trục đường Quốc lộ 279, tỉnh lộ ĐT 188. Nhân dân của xã Phúc Sơn, xã Minh Quang cùng với nhân dân của 03 xã Hồng Quang, Thổ Bình và Bình An, huyện Lâm Bình sinh sống tập trung thành một cụm xã, khắc phục được tình trạng cùng một cụm xã có nhiều đặc điểm tương đồng nhưng lại thuộc phạm vi quản lý hành chính của 02 huyện khác nhau. Hơn nữa, với thế mạnh là nông, lâm nghiệp và dịch vụ, trong đó cây trồng chủ lực là cây lúa, cây lạc; chăn nuôi đại gia súc và cây lâm nghiệp, khi điều chỉnh địa giới hành chính tạo điều kiện để 05 xã liên kết, mở rộng sản xuất, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung; đồng thời phát huy được tiềm năng, lợi thế để cụm xã phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tạo động lực để đẩy nhanh sự phát triển kinh tế,  nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân trong vùng. Việc chuyển 02 xã về huyện Lâm Bình sẽ thuận lợi cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch thế trận phòng thủ, phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội của nhân dân trong vùng.

Để chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính 2 huyện, sau khi có Kế hoạch của tỉnh, BTV Huyện ủy Chiêm Hóa đã thành lập các tổ công tác xuống cơ sở chỉ đạo chuẩn bị tốt cho việc lấy ý kiến cử tri về Đề án này. Đồng chí Triệu Đức Long, Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: Qua nắm tình hình nhân dân đều nhận thấy đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân cơ bản đã nắm được quan điểm, chủ trương của việc điều chỉnh địa giới hành chính. Đa số các tầng lớp nhân dân bày tỏ đồng thuận và tin tưởng với chủ trương này. 

Có thể thấy, khi 02 xã Phúc Sơn và Minh Quang chuyển về huyện Lâm Bình sẽ giúp cho cả 2 địa phương sẽ có thêm nguồn lực phát triển nhanh và bền vững; có điều kiện để giải quyết tốt hơn vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống người dân, tạo chuyển biến căn bản trong công tác đảm bảo an ninh vùng đồng bào dân tộc; tăng cường mạnh mẽ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; nâng cao tiềm lực quốc phòng - an ninh./.

Hải Hà - Quang Huy

Tin cùng chuyên mục