Vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội

Anh Hà Văn Thập ở thôn An Vượng, xã Tân An là một trong số rất nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa.

Trước đây gia đình anh là một hộ nghèo của thôn của xã, năm 2006, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân xã quản lý, gia đình anh Thập được vay 7 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội. Số tiền đó cộng với số tiền tích góp của gia đình, anh mua 1 con trâu giống về nuôi thử nghiệm. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, vừa chăn nuôi anh vừa học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi trâu của các hộ dân trong và ngoài xã: Từ phương pháp chăm sóc đến phòng chống dịch bệnh vật nuôi. Cùng với đóm anh Thập còn thường xuyên phối hợp với cán bộ thú y để tiêm phòng đầy đủ, nhờ vậy đàn trâu phát triển khỏe mạnh. Anh Thập chia sẻ: chăn nuôi trâu phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Thời tiết thay đổi, nhất là khi chuyển mùa, cần phải có phương pháp chăm sóc trâu phù hợp như: làm chuồng trại phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; thức ăn không ẩm mốc; vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc khử trùng tiêu độc. Trong quá trình chăm sóc, anh quan tâm đến việc tuân thủ nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh, so với con vật khác, nuôi trâu ít tốn công chăm sóc, nguồn thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên, lại ít bệnh tật, hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh đã bán đi một số con để trang trải cuộc sống, số còn lại đang được gia đình anh tích chăm sóc tái đàn. Không chỉ có chăn nuôi trâu sinh sản, anh Thập còn đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng với diện tích trên 3 ha keo. Từ khi bắt tay vào trồng rừng, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng  trọt do xã tổ chức; thực hiện chăm sóc rừng rừng trồng theo đúng quy trình hướng dẫn, hàng năm gia đình anh duy trì việc khai thác và trồng mới trên 3 ha keo. Ngoài ra, anh Thập còn đào ao thả cá với diện tích 2.000m2. Sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng phát triển kinh tế từ việc chăn nuôi kết hợp trồng rừng gia đình anh Thập đã thoát nghèo, trở thành một trong những hộ có thu nhập khá của xã. Trung bình mỗi năm sau khi trừ hết chi phí đã cho gia đình anh thu về trên 100 triệu đồng.

Anh Hà Văn Thập chăm sóc vườn keo của gia đình.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh còn động viên, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con trong thôn cùng thi đua làm giàu. Gia đình anh luôn thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân ở địa phương, tích cực tham gia các cuộc họp thôn, sinh hoạt đoàn thể, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Với sự nỗ lực trong thực hiện mô hình kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi của gia đình anh Hà Văn Thập đã và đang là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương./.

Hải Hà

Tin cùng chuyên mục