Trung tâm Dạy nghề huyện Chiêm Hóa nỗ lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Với mong muốn giúp người nông dân có thêm vốn kiến thức để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững, những năm qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Chiêm Hóa đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành cho học viên, mở rộng ngành nghề đào tạo.

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Chiêm Hóa đã tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn đưa các lớp nghề đến tận thôn xóm nên đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Để thực hiện có hiệu quả việc mở các lớp đào tạo ngắn hạn, hàng năm Trung tâm tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn toàn huyện, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể. Việc tuyển sinh giao cho các xã, Trung tâm dạy nghề cử cán bộ xuống quản lý và dạy nghề tại địa phương. Năm 2015, Trung tâm dạy nghề phối hợp UBND các xã tổ chức 15 lớp học nghề cho 525 học viên, trong đó 4 lớp thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, có 11 lớp nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng nấm, trồng ngô, lúa năng suất cao. Liên kết với các trường duy trì các lớp liên kết tại Trung tâm như: lớp Đại học Kế toán, lớp Cao đẳng Luật, lớp Cao đẳng Mầm non, lớp Trung cấp Máy thi công nền.  

                             

Trung tâm Dạy nghề huyện Chiêm Hóa khai giảng lớp Trồng cây lương thực thực phẩm khóa 1 tại xã Trung Hòa.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn tham gia các lớp dạy nghề, Trung tâm đã mở các lớp dạy nghề tại các thôn bản, bố trí thời gian học tập hợp lý, giúp học viên vừa có thời gian theo học, vừa tranh thủ lao động giúp gia đình. Tại các lớp nghề này, các học viên sau khi học lý thuyết sẽ được đào tạo mở rộng bằng cách kết hợp với nhiều mô hình thực tế. Nhờ đó, chất lượng đào tạo được đảm bảo, học viên sau khi tốt nghiệp đã được trang bị, bổ sung vốn kiến thức, họ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, từ đó áp dụng vào sản xuất một cách có hệ thống, đem lại năng suất, hiệu quả, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.

Thời gian tới, Trung tâm dạy nghề huyện Chiêm Hóa tiếp tục tăng cường kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị dạy nghề để phục vụ cho công tác giảng dạy. Đồng thời chỉnh sửa chương trình, giáo trình, tài liệu học tập các nghề đào tạo cho lao động nông thôn. Phối hợp với các xã, thị trấn chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy những ngành nghề truyền thống, phát triển các hoạt động kinh doanh, dịch vụ nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương./

 

Nguyễn Bình - Vi Cường

Tin cùng chuyên mục