Tấm gương người dân tộc Dao đỏ làm giàu trên vùng tái định cư

Để phục vụ việc xây dựng Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, hàng nghìn hộ gia đình thuộc vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đã di chuyển đến điểm tái định cư mới. Tại nơi ở mới, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh giỏi. Anh Lý Thanh Xuân, người dân tộc Dao đỏ, thôn Bản Tụm, xã Tân Mỹ là một trong những tấm gương điển hình như vậy.

Anh Lý Thanh Xuân, thôn Bản Tụm, xã Tân Mỹ chăm sóc đàn lợn.

Anh Xuân cho biết: Năm 2003, anh lập gia đình và cùng vợ chuyển về thôn Bản Tụm, xã Tân Mỹ. Trước đây ở quê cũ, kinh tế gia đình anh chỉ phụ thuộc vào trồng lúa và ít nương rẫy để trồng ngô, trồng sắn cho thu nhập rất bấp bênh. Vì vậy, khi chuyển về vùng đất mới anh luôn trăn trở suy nghĩ phải làm gì để cuộc sống ổn định hơn. Với ý chí vươn lên không cam chịu nghèo khó, anh đã quyết tâm đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ở các nơi có các mô hình điểm về phát triển kinh tế hộ trong và ngoài tỉnh để áp dụng vào sản xuất trong gia đình. Tuy nhiên, do chưa có vốn nên gia đình anh chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bước đầu nhận thấy chăn nuôi có lãi nên anh bàn với vợ vay 50 triệu đồng từ ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đầu tư chuồng trại mở rộng chăn nuôi. Ban đầu anh chỉ nuôi từ 10 đến 15 con thì đến nay, gia đình anh thường xuyên duy trì từ 40 đến 45 con lợn thịt, mỗi năm xuất bán trên 3 lứa. Ngoài ra, anh Xuân còn tham gia tổ hợp tác chăn nuôi lợn theo dự án TNSP. Với sự hỗ trợ ban đầu của dự án bao gồm vốn, lợn giống, khoa học kỹ thuật, anh Xuân đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lợn hướng nạc theo hướng công nghiệp. Ngoài ra, bản thân anh Xuân là tổ trưởng tổ hợp tác, vì vậy, anh đã đứng ra liên kết với các công ty Thức ăn chăn nuôi để làm đại lý cung ứng nguồn cám để các hộ chủ động trong chăn nuôi.

Cơ sở gia công hạt cườm gỗ của  anh Lý Thanh Xuân tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Có thể nói anh Xuân là một trong những người nhạy bén trong cơ chế thị trường hiện nay, đầu năm 2015, anh đã mở cơ sở gia công hạt cườm gỗ. Sản phẩm sau khi gia công đã được thu mua tại chỗ. Ngoài việc tăng thêm thu nhập cho gia đình, cơ sở của anh Xuân còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động tại địa phương, với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Từ một gia đình nông dân quanh năm chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp, nhưng khi đến vùng đất mới, gia đình anh Xuân đã biết tính toán, chịu khó trong làm ăn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi nên đã mang lại giá trị kinh tế cao, sau khi trừ các khoản chi phí còn thu lãi trên 200 triệu đồng.

Không chỉ chăn nuôi sản xuất giỏi, anh Lý Thanh Xuân còn được chính quyền và bà con trong thôn tín nhiệm bầu làm phó thôn và công an viên. Trong công việc, anh luôn chủ động nắm tình hình an ninh, trật tự tại thôn bản, kịp thời cho cấp ủy chính quyền những vấn đề nảy sinh do vây tình hình an ninh trong thôn luôn đảm bảo, bản thân anh được bà con nhân dân tin yêu . /.

Nguyễn Bình - Huy Dương

Tin cùng chuyên mục