Yên Nguyên tạo nhiều việc làm cho người lao động

Xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) hiện có 1.918 hộ với 7.916 nhân khẩu, trong đó có trên 80% số người trong độ tuổi lao động. Vì vậy, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động luôn được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm.

Cơ sở sản xuất tăm hương xuất khẩu của gia đình ông Phạm Mạnh Hùng, thôn Yên Quang,
xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương. 

Nhiều mô hình phát triển kinh tế, kinh doanh dịch vụ của các hộ trong xã đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ông Phạm Mạnh Hùng, thôn Yên Quang, chủ cơ sở sản xuất tăm hương xuất khẩu cho biết, gia đình ông đầu tư mở xưởng từ năm 2013. Qua 3 năm hoạt động, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ tăm hương trên thị trường ngày càng tăng cao, gia đình ông đã đầu tư máy móc và thuê thêm lao động phụ giúp.

Nhờ có hệ thống máy móc hiện đại nên năng suất lao động tăng lên rõ rệt, chất lượng hàng đảm bảo, mẫu mã đẹp, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Cơ sở sản xuất tăm hương của gia đình ông đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động và 12 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, tăm hương của gia đình ông Hùng đã có chỗ đứng trên thị trường.

Lợi dụng diện tích mặt nước của dòng sông Lô, nhiều hộ gia đình đã đầu tư nuôi cá đặc sản. Hiện nay, toàn xã có 30 hộ gia đình nuôi các loại cá chiên, bỗng với hơn 50 lồng cá. Ông Đinh Văn Lan, thôn Hợp Long 2 cho biết, gia đình ông hiện có 3 lồng nuôi cá chiên, mỗi lồng 60 con. Cá chiên nuôi 1 năm rưỡi được xuất bán với giá từ 480 - 500 nghìn đồng/kg đã mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình. Mỗi lứa xuất bán, gia đình ông Lan thu về khoảng 50 - 60 triệu đồng tiền lãi.

Cùng với việc phát triển ngành nghề mới, người dân tại địa phương luôn tìm cách khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác. Xã đã đẩy mạnh phát triển cây trồng vụ đông, đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm. Từ đó, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao với các loại cây chủ lực như cây ớt, cây lúa chất lượng cao... 

Công tác xuất khẩu lao động tại xã được đánh giá là điểm sáng của huyện. Từ năm 2010 đến nay, xã đã xác nhận, hỗ trợ vay vốn cho 88 lao động đi làm việc chủ yếu tại Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan... Nhờ có nguồn tiền của người thân đi lao động xuất khẩu gửi về mà cuộc sống của người dân trong xã ngày một nâng cao.

Gia đình bà Nguyễn Thị Dưng, thôn Cầu Mạ có con trai đi lao động tại Malaysia, thu nhập bình quân 13 triệu đồng/tháng. Mỗi năm, con trai bà gửi về khoảng 70 triệu đồng, số tiền đó bà sử dụng vào việc sửa sang nhà cửa và phát triển kinh doanh, ổn định đời sống gia đình.

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động còn được UBND xã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp dạy nghề, tạo việc làm mới cho gần 200 lao động.

Ông Cầm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên cho biết, UBND xã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận được với các thông tin về việc làm, đa dạng hóa các ngành nghề để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. 

Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp dạy nghề, tập trung vào những lao động nghèo, lao động là thanh niên, phụ nữ. Đồng thời, tạo điều kiện cho người lao động được vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, nhân rộng các mô hình tạo việc làm có hiệu quả, giúp người lao động có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục