Người Dao Khuổi Nò mở đường về bản

Chỉ trong vòng 4 tháng, từ tháng 9 - 2016 đến đầu năm 2017, người dân Khuổi Nò, thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) đã hoàn thành mở con đường dài 1,2 km về bản. Những giọt mồ hôi mặn mòi của người dân nơi này đổ xuống thấm vào đất với ước mong quê hương đổi mới.

Người lĩnh xướng bài ca mở đường

Người khởi xướng chuyện mở đường ở Khuổi Nò là ông Triệu Văn Báo. Tôi gặp ông khi trời nhá nhem mặt người, trên tay ông cầm bó đuốc còn đang nỏ lửa. Ông Báo bảo, đang cùng đám trẻ đi sửa lại tuyến đường vào mấy hộ dân trong bản mới bị sạt lở. Vùng núi quê ông vất lắm, đường sá không thuận, làm gì cũng khó. Ông đã bước sang tuổi 60 rồi, càng hiểu cái khổ của đường giao thông không thuận, con đường nó làm người bản oằn lưng, mỏi gối vì phải cuốc bộ đi chợ, vận chuyển hàng hóa. Trong tâm thức ông muốn làm điều gì đó cho bản mình và ông đã lĩnh xướng việc vỡ đất, lật đá mở đường cho dân bản. 

Bỗng ông Báo trở nên trầm lặng, đôi chút suy tư. Ông bảo, chuyện ban đầu không dễ đâu, cán bộ ạ. Cũng bởi cái khó nó bó cái khôn, khi đi vận động làm đường, có người còn dọa ông “cho đi tù” nếu làm đường mà hỏng đường mương dẫn nước vào ruộng của gia đình họ. Ông chạnh lòng, bởi việc mình làm là vì bản mình, có đường to thì tương lai mới rộng mở. Ông tự nhận lấy trách nhiệm ấy, bởi ông nghĩ, tuổi cao phải nêu gương sáng thì bọn trẻ mới làm theo. Khu mình còn nghèo nên không thuê được máy xúc làm toàn tuyến dài 1,2 km mà chỉ đoạn nào quá khó, nhiều đá thì mới thuê máy xúc, còn lại là người bản làm bằng cuốc xẻng - ông Báo cho biết.

Bản thân ông Báo tự nguyện đóng góp 10 triệu đồng, cao hơn gấp 3 lần mức đóng góp của các hộ trong bản để thuê máy san gạt đường đoạn khó. Vậy là dân khu Khuổi Nò bảo nhau tự nguyện đóng góp được 120 triệu đồng mở con đường ô tô về bản rồi. Ông Báo và mọi người trong bản còn lấy gỗ, lá cây rừng trải lên mặt mương tránh đất đá lăn vào làm hỏng. Những người dọa ông Báo giờ vui vẻ lắm bởi trong lúc nông nổi đã nghĩ sai về việc hữu ích mà ông Báo muốn là cho bản mình.

Người dân tu sửa đường vào khu Khuổi Nò, thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ.

Trong câu chuyện, ông Báo kể nhiều về chị Bàn Thị Mẩy, chị Bàn Thị Dậu đã đồng hành cùng dân góp tiền, công sức mở đường. Điều đặc biệt là năm 2016 vào thời điểm mở đường, gia đình chị Mẩy thuộc diện nghèo, thế nhưng lại đi đầu thực hiện các khoản đóng góp. Có lúc người dân chưa kịp đóng tiền, vợ chồng chị Mẩy ứng trước để trả tiền thuê máy xúc san gạt đoạn đường khó.

Chị Mẩy bảo, khu người Dao mình nghèo một phần là do thiếu đường to, ô tô không đến được thì hàng hóa không được lưu thông, vậy nên nghèo cũng phải cố mà làm đường để mai này cuộc sống tốt đẹp hơn.  Từ ngày có con đường, sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt cũng được giá hơn, bà con phấn khởi lắm. Cuối năm 2016, gia đình chị đã thoát nghèo. Hiện tại, gia đình chị đã làm được ngôi nhà kiên cố, có 5 con trâu, 10 con lợn đen và 2 ha rừng. 

Còn gia đình chị Bàn Thị Dậu nghèo nhất bản bởi sức khỏe chị không tốt, hay đau ốm, lại phải nuôi anh trai tàn tật và 2 đứa con nhỏ. Cuộc đời chị càng buồn hơn khi cuộc sống vợ chồng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, phải chia tay nhau, mình chị phải lo toan đủ việc cho 4 miệng ăn. Thế nhưng khi được vận động, chị tự nguyện góp 3 triệu đồng để làm đường. Chị bảo, ông Báo và mọi người bảo, bản mình nghèo là do con đường khó quá, phải làm con đường to ra để đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi thì sẽ bớt đi cái nghèo. Chị thấy đúng lắm, không đắn đo gì nữa.

Mở những ước mơ

Khu Dao Khuổi Nò có 14 hộ dân đều là người Dao đỏ. Phần lớn các hộ dân thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, không có hộ khá, giàu. Thế nhưng, các hộ đều tình nguyện đóng góp tiền triệu để mở đường. Con đường mòn 1,2 km giờ mặt đường đã mở rộng hơn 3 m, xe ô tô đi đến được từng ngõ, từng nhà.

Người dân khu Khuổi Nò chăm sóc vườn cỏ thức ăn gia súc.

Nhớ lại tháng ngày “sống chung với con đường khổ ải”, anh Đặng Văn Quân, một người dân trong thôn vẫn thấy sởn tóc gáy. Năm 2015, gia đình anh tích cóp được ít tiền làm ngôi nhà mới, toan tính mãi chuyện thuê xe vận tải vật liệu nhưng không ai nhận cho vì đường đi quá khó, xe đến sao được. Thế là anh Quân huy động 8 xe máy của anh em dân bản hỗ trợ chở cát, chở xi măng, sỏi.

Làm xong ngôi nhà thì nhiều chiếc xe máy bị hỏng, xuống cấp, anh thấy áy náy quá, định bảo đi sửa “đền” thì anh em không chịu, đó là việc nghĩa tình xóm bản, ai lại nghĩ chuyện thiệt hơn… Theo anh Quân, có lẽ từ cái khó khăn ấy mà mọi người trong khu một lòng ủng hộ làm đường, dẫu cuộc sống chưa khá giả gì. Có đường rồi, xe vận tải chở xi măng, cát sỏi thuận lợi, sức người được giải phóng…

Trước kia chưa có đường, khổ nhất là chuyện học của bọn trẻ. Những ngày trời mưa, đường nhỏ lại trơn trượt, sợ bọn trẻ ngã xuống vực sâu, các bậc phụ huynh phải cõng con đến trường. Nhiều hôm ngày mùa, phải dậy từ tảng sáng, đốt đuốc đưa con đi học. Nay có con đường, xe máy đi đến điểm trường của các cháu mất 15 phút. Anh Triệu Văn Trìu người dân trong khu cho biết, hiện cả bản có 18 cháu đang ở độ tuổi đến trường. Con đường đi thuận lợi thì đường học của trẻ cũng không còn gập ghềnh nữa. Được học cao hơn, mai này bọn trẻ sẽ hơn cha ông, giúp Khuổi Nò đẩy lùi nghèo nàn lạc hậu.  

Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ Ma Đình Sắc cho biết, chuyện mở đường của người Dao Khuổi Nò là điển hình vượt khó trong phát triển kết cấu hạ tầng ở địa phương. “Tiếp lửa” cho người dân nơi đây, mỗi cán bộ, công chức xã đã tự nguyện ủng hộ người dân Khuổi Nò 200 nghìn đồng góp sức cùng bà con. Sau gần 1 năm có con đường, cuộc sống của người dân nơi đây đã đổi thay. Đến nay đã có 80% hộ trong bản có 3 công trình vệ sinh đủ tiêu chuẩn; 100% hộ dân đã mua được xe máy; toàn bản có 56 con trâu, 28 ha rừng, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững. 

Tạm biệt Khuổi Nò, tôi vẫn nhớ mãi câu nói của ông Báo và người dân nơi đây: “Con đường đã được mở nhưng còn là đường đất, ngày mưa đi vẫn ngại lắm. Dân trong khu mong muốn được Nhà nước hỗ trợ xi măng, dân sẽ đóng góp ngày công và cát sỏi làm đường bê tông để cùng xã xây dựng nông thôn mới”.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục