Không lạm dụng rượu bia

Rượu đã trở thành thứ không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, tiệc, hội cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Uống rượu đã trở thành một truyền thống, một nét văn hoá riêng của mỗi vùng miền cũng như của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu bia hoặc uống một cách thái quá đang gây nên những hậu họa về sức khỏe, về đạo đức, nhân cách, về trật tự xã hội và tính mạng con người.
Bác Phan Văn Tý, xã Lang Quán, Yên Sơn chia sẻ: Năm nay tôi ngoài 60 tuổi nhưng sức khỏe suy giảm nhiều, nguyên nhân cũng do uống rượu. Hiện nay trong các đám cưới ngoài các món trong mâm cỗ vẫn phải có rượu. Một điều thường thấy là trong các cuộc rượu, người ta thường mời nhau nâng chén khi bắt đầu vào bữa ăn, được coi như một thứ khai vị và phải hết 100%. Trong quá trình uống rượu, người ta thường mời và chúc tụng nhau, nếu người này mời người kia mà bị từ chối hoặc không mời lại thì sẽ bị coi là không lịch sự hay không tôn trọng. Mà cũng từ rượu bia, có người phải đi tiếp khách uống nhiều rượu bia về chiều cũng phải nghỉ luôn không làm được việc.

Trong đám cưới, sau khi khách yên vị, người đại diện cho gia chủ thường đến từng mâm thông báo lý do buổi tiệc và rót ly rượu mời khách bày tỏ tấm lòng và cảm ơn khách đã dành thời gian đến chung vui cũng như chia sẻ công việc của gia đình. Ly rượu ấy được tất cả mọi người đón nhận như là sự biểu cảm lòng tốt đáp lại gia chủ, và tùy theo khả năng của mỗi người. Nhưng cũng có một số người hiểu sai về văn hóa uống rượu làm biến tướng nét đẹp văn hóa; việc chào mời rượu thành “ép” rượu, khiến người được mời khó lòng từ chối, nếu từ chối sẽ bị cho là coi thường người mời; một số khác lại lạm dụng rượu dẫn đến say xỉn, hoặc bị rượu chi phối, gây ra mâu thuẫn với nhau, vi phạm an toàn giao thông, thậm chí có nhiều người ngộ độc rượu, dẫn đến tử vong...

Nhiều thống kê cho thấy từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn nằm trong top các nước có tỷ lệ tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới. Theo đó, nước ta đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, đứng thứ 10 ở châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới. Đó là tiếng chuông báo động nên phải sử dụng rượu, bia như thế nào cho phù hợp với văn hóa vùng miền.

Vừa qua, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 06/CT-UBND về thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia trong giờ làm việc và không điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép.

Để phong tục tập quán chào mời và uống rượu giữ nguyên vẻ đẹp truyền thống, mang nét đẹp bản sắc dân tộc, mỗi người và cả cộng đồng cần đề cao ý thức, trong kinh doanh rượu, uống rượu phải có văn hóa, lịch sự, không nên ép uống rượu đến say xỉn, đừng để mình thành con người khác để rồi mất đi hình ảnh, suy giảm sức khỏe; thậm chí nguy hại đến tính mạng và gây ra những hậu quả khó lường. Hãy để chén rượu là niềm vui thể hiện tình cảm tốt đẹp và ý nghĩa nhân văn trong cuộc sống.

TQĐT

Tin cùng chuyên mục