Hưởng ứng Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18-4: Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

Người khuyết tật luôn được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước bằng nhiều chính sách, trong đó trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những chính sách nổi bật, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật được tiếp cận và cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.

Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật luôn được tỉnh quan tâm và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng giúp người dân nói chung và người khuyết tật nói riêng được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý. Hàng năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đều tham mưu Sở Tư pháp, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện tuyên truyền, trợ giúp pháp lý và tặng quà cho người nghèo, người khuyết tật tại huyện Lâm Bình

Việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đã được thực hiện thông qua các hình thức như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, truyền thông về trợ giúp pháp lý... các hoạt động được lồng ghép nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Trong quá trình tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý luôn đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã thụ lý và thực hiện TGPL cho 9 trường hợp là người khuyết tật.

Ða phần người khuyết tật đi lại khó khăn nên đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng trợ giúp pháp lý đều tận tâm, chịu khó xuống địa bàn cơ sở để tiếp cận, tư vấn và thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan mà người khuyết tật vướng mắc để tham gia tố tụng và bảo vệ quyền lợi cho họ. Các vụ việc tham gia đều thành công, hiệu quả, đạt chất lượng tốt và người được trợ giúp pháp lý đều hài lòng với kết quả giải quyết vụ việc.

Để nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước luôn chú trọng tới việc nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý về kiến thức, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, UBND cấp xã bảo đảm 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cũng chú trọng thực hiện các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật thông qua truyền thông trực tiếp tại cơ sở, biên soạn tài liệu pháp luật, tờ gấp pháp luật về chính sách trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã in trên 12.000 tài liệu truyền thông về trợ giúp pháp lý.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện tuyên truyền, trợ giúp pháp lý và tặng quà cho người nghèo, người khuyết tật tại huyện Lâm Bình

Đồng chí Lại Khoa Lâm, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cho biết, người khuyết tật là những người có khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần nên thường mặc cảm, tự ti, có sự hạn chế về trình độ nên họ chưa mạnh dạn trong việc thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của mình khi có những vướng mắc, tranh chấp pháp luật. Ðối với những người khuyết tật về cơ thể thì có thể giao tiếp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhưng người khuyết tật về tinh thần thì phải thông qua người thân nên đôi khi khó xác định có phải nguyện vọng của người khuyết tật hay không. Nhìn chung, qua mỗi vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, các trợ giúp viên pháp lý luôn cảm thấy nao lòng. Mong rằng cộng đồng, xã hội cần quan tâm, sẻ chia nhiều hơn nữa với các đối tượng này.

Cũng theo đồng chí Lại Khoa Lâm, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cần phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức để người khuyết tật nói chung và người khuyết tật là dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nói riêng được dễ dàng tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý, để họ hiểu về hoạt động trợ giúp pháp lý, xóa bỏ đi rào cản, sự tự ti của người khuyệt tật. Bên cạnh đó, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng, kỹ năng của người thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp với tâm lý, điều kiện của người khuyết tật; tăng cường công tác phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục