Chất thải y tế: Cần có sự đầu tư và xử lý theo quy định

Hiện nay, trong các nguồn xả thải ra môi trường, chất thải y tế được xem là nguồn thải độc hại, ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý chất thải tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư lớn…

Cán bộ Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh phân loại rác thải.

Còn nhiều bất cập

Theo thống kê của ngành Y tế, hiện toàn ngành có 14 bệnh viện công lập, 6 trung tâm y tế tuyến tỉnh, 7 trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, 7 trung tâm y tế các huyện, thành phố, 141 trạm y tế và gần 190 cơ sở y tế tư nhân... Tất cả các cơ sở này đều có nguồn xả chất thải y tế ra môi trường hàng ngày. Theo số liệu thống kê, mỗi ngày có khoảng 410 kg chất thải y tế nguy hại được thải ra từ các cơ sở này. Trong đó, lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, cơ sở y tế dự phòng, phòng khám đa khoa khu vực khoảng 261,44 kg; lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn khoảng 72,85 kg; lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế tư nhân 75,71 kg. Tỷ lệ gia tăng chất thải y tế phụ thuộc vào việc tăng giường bệnh, phát triển các dịch vụ kỹ thuật và sự tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân.

Với nguồn thải khổng lồ này, nếu không được xử lý đúng quy trình sẽ có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Bởi theo Quy chế quản lý chất thải y tế (Bộ Y tế), khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn) sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái. Đồng thời, việc thu gom, phân loại và xử lý các chất thải y tế không bảo đảm sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng và nhất là của những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải.

Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa mỗi ngày có hàng chục kg rác thải được thải ra trong quá trình khám chữa bệnh; lượng rác thải nguy hại trung bình phát sinh khoảng hơn 300 kg/tháng được xử lý bằng lò đốt trong khuôn viên bệnh viện. Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Hưng Đạo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa cho biết, chất thải rắn nguy hại được phân loại triệt để ngay tại nơi phát sinh, sau đó được vận chuyển tới khu lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại của bệnh viện. Tuy nhiên, lò đốt chất thải nguy hại của bệnh viện được xây dựng từ năm 2011 bằng công nghệ đốt dầu lạc hậu, sau một thời gian đi vào hoạt động đã xuống cấp, phải sửa chữa nhiều lần, chi phí vận hành và sửa chữa tốn kém. Vì vậy, việc xử lý chất thải của bệnh viện bằng lò đốt dầu thủ công tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường. 

Bệnh viện Đa khoa huyện Lâm Bình là 1 trong 3 bệnh viện trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có nhà xử lý chất thải tại chỗ. Ông Nguyễn Ngọc Chinh, Trưởng Phòng Y tế huyện Lâm Bình nói, mặc dù trên địa bàn huyện đã có khu xử lý chất thải rắn và chất thải sinh hoạt, song tại các cơ sở y tế đều không có khu xử lý chất thải tại chỗ. Hiện nay, tất cả các loại rác thải của Bệnh viện Đa khoa huyện, Trung tâm y tế, Trạm y tế xã trên địa bàn đều được đưa về xử lý tại 2 nhà xử lý rác thải của huyện đặt tại 2 xã Thượng Lâm và Phúc Yên.

Đối với các cơ sở y tế tư nhân, việc xử lý chất thải y tế cũng phát sinh nhiều bất cập. Thực tế, nhiều phòng khám tư nhân có quy mô nhỏ, nên lượng chất thải nguy hại phát sinh ở từng cơ sở rất khó kiểm soát, khả năng bị trộn lẫn trong rác thải sinh hoạt tương đối cao. Cùng với đó, hầu hết các cơ sở này đều chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế. Tỉnh cũng chưa xây dựng được các khu xử lý chất thải nguy hại tập trung nên các cơ sở này phải ký hợp đồng xử lý chất thải với những cơ sở y tế gần nhất.

Tháo gỡ khó khăn và đầu tư hiệu quả

Nhân viên xử lý rác thải Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa đưa rác thải vào xử lý.

Theo Sở Y tế, cùng với việc mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe nhân dân, lượng chất thải y tế phát sinh ngày càng tăng là điều khó tránh khỏi. Hiện nay, riêng tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, bệnh viện đa khoa khu vực và phòng khám đa khoa khu vực đã có trên 1.600 giường bệnh. Dự kiến, đến năm 2020, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sẽ được mở rộng và phát triển lên trên 2.000 giường bệnh, tăng gần 500 giường bệnh so với hiện tại. Vì vậy, tổng khối lượng chất thải y tế cũng sẽ tăng theo. Để xử lý hiệu quả chất thải y tế và bảo vệ môi trường rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành có liên quan. Bên cạnh đó, cần huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư cho các công trình xử lý chất thải tại các cơ sở y tế.

Là một trong những bệnh viện lớn nhất tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh từng là điểm nóng về tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong quá trình xử lý rác thải y tế. Đến nay nhờ Chương trình xử lý chất thải y tế của Bộ Y tế do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, Bệnh viện đã được xây dựng công trình xử lý chất thải trong khuôn viên bệnh viện, với tổng số vốn đầu tư gần 21 tỷ đồng. Công trình có tổng diện tích 400 m2 tại vị trí của lò xử lý rác thải cũ và đưa vào hoạt động thử nghiệm tháng 10-2017.  Theo bác sỹ Phạm Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung bình một ngày bệnh viện có khoảng 150 kg rác thải lây nhiễm cần xử lý, nhưng trước đây bệnh viện chỉ có một hệ thống lò đốt đã xuống cấp, gần như 100% rác thải y tế kể cả độc hại và không độc hại đều được mang đốt. Do bệnh viện nằm ngay trung tâm thành phố, hệ thống xử lý rác lạc hậu nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cuộc sống người dân trong khu vực. Từ nguồn vốn của Bộ Y tế, cuối năm 2016 bệnh viện đã được đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý chất thải y tế hiện đại, tất cả rác thải lây nhiễm và không lây nhiễm đều được xử lý triệt để, nước thải của các phòng xét nghiệm, của bệnh nhân đều được xử lý đạt tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Dự kiến trong thời gian tới bệnh viện sẽ xử lý rác thải cho một số đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.

Xác định được sự nguy hại của chất thải y tế, ngành Y tế tỉnh đã thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định của Bộ Y tế, đồng thời quán triệt đến các cơ sở y tế thực hiện nghiêm các quy định trong công tác quản lý, phân loại rác thải y tế tại các bệnh viện. Tại các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh, hiện nay đều có các thùng đựng, túi đựng chất thải đầy đủ và sử dụng hiệu quả, việc phân loại rác thải y tế được chú trọng ngay tại nơi phát sinh theo đúng quy định. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường: Hiện tại, phần lớn các cơ sở y tế cấp tỉnh và các huyện, thành phố đều có hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, tại mỗi bệnh viện, cơ sở y tế đều có cách quản lý, thu gom chất thải y tế riêng. Chẳng hạn như tại bệnh viện, hàng ngày, mỗi loại chất thải y tế được thu gom vào các túi, thùng theo mã màu quy định và có nhãn ghi tên khoa, phòng bên ngoài túi. Trong mỗi túi gồm 3 - 4 túi nhỏ, mỗi túi đựng chất thải có bảng ghi rõ loại chất thải. Hàng ngày, hộ lý được phân công thu gom các chất thải y tế nguy hại và chất thải thông thường rồi chuyển về nơi tập trung chất thải của khoa, sau đó được vận chuyển theo đường nội bộ của bệnh viện đến nơi xử lý.

Theo bác sỹ Lê Đào Bích, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế, thời gian qua Sở đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, đề xuất UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế chưa được đầu tư hoặc sửa chữa, nâng cấp lò đốt rác cho một số cơ sở khám chữa bệnh... Bên cạnh đó, để xử lý tối ưu nhất về vấn đề rác thải y tế ngành sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở y tế về vấn đề xử lý rác thải để có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời. Việc tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên y tế về công tác phân loại rác, thu gom và xử lý đúng cách tại các khoa, phòng cũng sẽ được đẩy mạnh, nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm. Ngành cũng sẽ tăng cường vận dụng, huy động từ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp khu xử lý rác thải của các đơn vị. Thời gian qua ngành Y tế tỉnh đã được đầu tư 3 hệ thống xử lý chất thải rắn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Hàm Yên (Hàm Yên) và Bệnh viện Đa khoa khu vực Trung Sơn (Yên Sơn). Đây là những hệ thống xử lý chất thải hiện đại có công suất lớn, không chỉ đảm bảo tiêu hủy được chất thải y tế cho các bệnh viện mà còn cho các cơ sở y tế lân cận.

Cùng với đó, các đơn vị y tế cũng cần chủ động đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người dân. Bác sỹ Đỗ Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Dương cho biết, khu xử lý rác thải của bệnh viện được xây dựng từ năm 2010 đến nay sau 6 năm đi vào hoạt động máy cũng đã xuống cấp. Do không có kinh phí và chưa được đầu tư xây dựng mới nên đơn vị đã chủ động sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đứng trước thực tế khó khăn của các đơn vị trong vấn đề xử lý chất thải y tế, trong thời gian tới ngành Y tế sẽ tiếp tục rà soát lại các hệ thống chất thải, nước thải y tế tại các đơn vị để có kế hoạch đầu tư mới, hoặc nâng cấp kịp thời; định hướng lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phù hợp; quan tâm trang bị các vật dụng thu gom chất thải rắn y tế, nhất là chất thải y tế nguy hại; chú trọng đến công nghệ xử lý chất thải rắn y tế. Đồng thời, tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên thu gom chất thải rắn y tế về phương thức thu gom theo đúng quy định; quản lý chặt chẽ các loại chất thải rắn tái chế, tái sử dụng… Từ đó, từng bước nâng cao hệ thống xử lý chất thải y tế tại các đơn vị, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người dân.  
 

Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn

Vấn đề cấp bách cần được giải quyết

Huyện Yên Sơn hiện có 2 bệnh viện, 3 phòng khám đa khoa khu vực và 31 trạm y tế xã, thị trấn. Tuy nhiên, chỉ có Bệnh viện Đa khoa khu vực Trung Sơn có hệ thống xử lý chất thải y tế với quy mô hiện đại. Hệ thống xử lý chất thải lỏng tại các cơ sở y tế còn lại chưa có hoặc chưa đảm bảo yêu cầu. Còn hệ thống xử lý chất thải rắn hiện chỉ có ở Phòng khám Đa khoa khu vực Tháng 10, xã Mỹ Bằng và Phòng khám Đa khoa khu vực xã Trung Môn. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện và phòng khám Đa khoa khu vực xã Xuân Vân chưa có hệ thống xử lý chất thải. Người dân gần khu vực các cơ sở y tế này đã có ý kiến với UBND huyện, đề nghị UBND huyện và các ngành chức năng sớm đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại. Đây là vấn đề cấp bách, UBND huyện đã có kiến nghị và mong muốn cấp trên sớm giải quyết, để bảo đảm sức khỏe cho người dân. 

Bác sỹ Ma Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Na Hang
Đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải đúng tiêu chuẩn

Vấn đề rác thải y tế là vấn đề bức xúc từ xưa đến nay. Tại bệnh viện Đa khoa huyện Na Hang, chất thải y tế đang được phân loại và xử lý một cách nghiêm túc, đúng quy định. Tuy nhiên, do công nghệ xử lý rác lạc hậu, xuống cấp nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân xung quanh. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, từ các nguồn vốn được hỗ trợ, ngành Y tế tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất thải của bệnh viện hiện đại hơn, bảo đảm những tiêu chuẩn về môi trường. Từ đó, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân, các bệnh nhân và chính các y, bác sỹ, nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện. 

Ông Trần Văn Đèn, tổ 16, phường Tân Hà (TP. Tuyên Quang) 
Mong tiếp tục khắc phục việc xử lý rác thải y tế

Tôi cùng những người dân sinh sống xung quanh khu vực Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang ghi nhận những biện pháp khắc phục của cơ quan chức năng và bệnh viện trong việc nhanh chóng hoàn thiện công trình xử lý chất thải y tế theo đúng quy định, góp phần bảo đảm sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, vào những ngày trời âm u, nhiều mây, khói của khí thải do đốt rác y tế vẫn tràn xuống mặt đường gây nên mùi khó chịu. Bởi vậy, người dân mong muốn bệnh viện, các sở, ngành có liên quan tiếp tục có những cải tiến, khắc phục hơn nữa để đảm bảo môi trường sống thực sự trong lành cho người dân.

TQĐT

Tin cùng chuyên mục