Xứng đáng là nghệ nhân Nhân dân

Năm 2015, ông Hà Thuấn ở thôn Tân Hợp, xã Tân An được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Tháng 3/2019, một tin vui không chỉ dành cho ông mà còn làm nức lòng người dân vùng cao Chiêm Hóa, ông là người đầu tiên ở tỉnh Tuyên Quang được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”.

Nghệ nhân Hà Thuấn với một bài hát then do ông mới sáng tác.

Theo Nghệ nhân Hà Thuấn, từ năm 12 tuổi, ông đã cùng người anh trai là Cố Nghệ nhân Hà Phan, nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Chiêm Hóa được cha truyền dạy hát Then, đàn Tính. Càng học, ông càng say mê và cảm nhận làn điệu dân ca dân tộc chính là biểu tượng tinh thần, là nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc của đồng bào Tày. Bởi vậy, dù đôi chân tàn tật, đi lại khó khăn, nhất là nhưng khi trời mưa gió, dù phải đi bộ trên những đoạn đường làng chơn trượt, hay vượt qua những thửa ruộng bậc thang, trèo đèo, lội suối, ông vẫn cố gắng vượt qua để mang vốn kiến thức văn hóa dân gian và tài năng của mình truyền dạy cho lớp trẻ. Với ông, việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là sự tôn vinh thiết thực, xứng đáng đối với những nghệ nhân có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được quần chúng nhân dân mến mộ.

Thế hệ đầu tiên tiếp cận với hát Then đàn Tính từ Nghệ nhân Hà Thuấn chính là con cháu trong gia đình, dòng họ, rồi dần dần lan ra cả cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Hoán, sinh năm 1986, công chức văn hóa xã hội xã Tân An, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát then, đàn tính xã Tân An là một trong những học trò xuất sắc của Nghệ nhân Hà Thuấn. Chị học hát then với ghệ nhân từ những năm còn học THCS, lên đến THPT thì chị thành thạo đàn tính và biết hát cả 2 làn điệu then cổ, then mới. Tham gia biểu diễn tại các cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh và khu vực Tây Bắc, CLB của chị liên tục giành được giải thưởng cao. Chính niềm đam mê với làn điệu dân ca dân tộc mà Nghệ nhân Hà Thuấn truyền lại đã thôi thúc chị theo học trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, Khoa Quản lý văn hóa chuyên ngành hát then. Từ năm 2015 đến nay, năm nào chị cũng tham mưu cho xã tổ chức ít nhất 1 lớp dạy hát then cho các đối tượng, chủ yếu là cho thanh thiếu niên.

Chị Nguyễn Thị Hoán(Người ngồi thứ 4) trong một lần tham gia hội diễn hát Then, đàn Tính. 

Tham gia lớp học hát then của Nghệ nhân Hà Thuấn không chỉ có hội viên Câu lạc bộ hát then Tân An, thanh niên, phụ nữ trong và ngoài xã mà còn có cả các cháu trong độ tuổi thiếu niên, nhi đồng. Việc mở lớp truyền dạy hát Then, Cọi và đàn tính chính là một hoạt động thiết thực, nhằm tạo điều kiện phát triển khả năng và nâng cao trình độ về nghệ thuật hát Then, Cọi và đàn tính trong mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, phát hiện, bồi dưỡng những cá nhân có năng khiếu về môn nghệ thuật này, góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn huyện Chiêm Hóa. Học viên đến với Nghệ nhân Hà Thuấn không chỉ bởi sự lôi cuốn của những làn điệu dân ca dân tộc mà còn bởi lòng cảm phục đối với một người thầy tận tuỵ.

Cho dù đã gần tuổi 80, nhưng trong ông – Nghệ nhân nhân dân Hà Thuấn vẫn vẹn nguyên niềm đam mê với những làn điệu dân ca Tày và âm thanh rộn ràng của cây đàn tính. Dường như mỗi giai điệu tha thiết ấy đã trở nên thân thương như một phần máu thịt của cuộc đời ông. Tâm nguyện của ông lúc tuổi về già là mong cho làn điệu dân ca của dân tộc mình không bị mai một và làn điệu then mãi là niềm tự hào, là nét đẹp riêng có của văn hóa Tày, góp phần nhân lên giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Hải Hà- Phúc Anh

Tin cùng chuyên mục