Bản sắc người Dao Khau Hán

Con đường đất lên Khau Hán, xã Bình Phú (Chiêm Hóa) toàn dốc khúc khuỷu. Thôn nằm trong một thung lũng trên đỉnh núi cao. Trải qua thời gian, đến nay, bản sắc người Dao Khau Hán vẫn được bảo tồn. Bởi theo các cụ trong thôn, giữ được bản sắc mới giữ được linh hồn người Dao… Cấp sắc - Hồn cốt người Dao
 

Người dẫn đường đưa chúng tôi lên Khau Hán là công chức Văn hóa - Xã hội xã Bình Phú (Chiêm Hóa) Đặng Văn Chu. Anh Chu là người Dao đỏ thôn Khau Hán nên rất thông thuộc địa hình. Chỉ tay về những cánh rừng xanh đại ngàn trên 3 dãy núi cao Phiêng Pì, Phiêng Giáo, Đán Lạ, anh Chu bảo rừng nơi đây góp phần “phả” hơi mát cho vùng thung lũng phì nhiêu. Đúng là ở độ cao gần 1.000 m so với mặt nước biển, Khau Hán mát mẻ lạ thường. Nghe anh Chu bật mí, may mắn cho chúng tôi lên đợt này, trong thôn đang diễn ra lễ cấp sắc. Tôi biết ở Tuyên Quang dân tộc Dao đông thứ hai, chỉ sau dân tộc Tày. Nhưng cái phong phú hơn dân tộc khác chính là người Dao có cả thẩy 9 ngành. Điểm chung của người Dao là đều thờ cúng tổ tiên Bàn Vương và lễ cấp sắc.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Triệu Văn Cói, Bí thư, Trưởng thôn Khau Hán. Vẫn nếp nhà bưng gỗ truyền thống của người Dao, ông Cói hồ hởi tiếp khách. Ông bảo lâu lắm rồi Khau Hán mới được đón khách lạ. Người dân ở đây hiếu khách lắm. Cứ thấy khách lạ tới nhà là kéo đến chơi, chỉ tiếc vào ban đêm thôn chưa có điện, nhiều nhà phải đốt đèn dầu tiếp khách. Người Dao ở Khau Hán không biết có từ bao giờ nhưng đến nay toàn thôn có tổng 73 nóc nhà với 371 nhân khẩu, 100% là người Dao Đỏ hay còn gọi là Dao Đại bản. 


Thầy cúng Đặng Tài Tiến, dân tộc Dao Đỏ, thôn Khau Hán thực hiện lễ cúng cấp sắc.

Tối đến Khau Hán chìm trong bóng tối và không gian tĩnh mịch. Nhưng tại nhà ông Đặng Tài Tiến lễ cấp sắc vẫn đang diễn ra đều đặn. Mấy đôi vợ chồng quần áo trang phục truyền thống Dao Đỏ chỉnh tề đang ngồi phục trước bàn thờ họ làm lễ. Đây được coi là giây phút linh thiêng nhất của người Dao. Nếu người Dao Quần trắng ở xã Hùng Đức (Hàm Yên) thiếu niên nam từ 12 - 13 tuổi phải làm lễ cấp sắc. Được cấp sắc người đàn ông mới coi là trưởng thành cả về thể chất và tinh thần thì lễ cấp sắc của người Dao Đỏ ở Khau Hán lại khác hẳn. Người Dao Đỏ Khau Hán phải lấy vợ lấy chồng, cuộc sống ổn định mới làm lễ cấp sắc. Tùy theo điều kiện, dòng họ mà làm cấp sắc 3, 5, 7, 9, 12 đèn. Thường thì nhiều đôi vợ chồng trong dòng họ gộp nhau làm một lần. Lễ cúng có gà, lợn, hoa quả, xôi, bánh đầy đủ, diễn ra trong nhiều ngày. Không giống với các dân tộc Dao khác, người phụ nữ Dao Khau Hán cũng được làm cấp sắc cùng chồng.
Ở Khau Hán cũng có một số người chết sớm chưa kịp cấp sắc, thì người nhà phải làm “hình nhân” để cấp sắc. Đối với người Dao, cấp sắc là hồn cốt dân tộc. Giờ đây bản sắc đó vẫn truyền từ đời nọ sang đời kia một cách trường tồn.

Say điệu Páo dung

Ở Khau Hán không gian khá yên tĩnh song lúc nào người ta cũng có thể hát Páo dung. Khách đến nhà chơi hát Páo dung. Đi nương gặp nhau hát Páo dung. Gặp nhau ngày hội hát Páo dung. Cúng hát Páo dung. Tìm hiểu người yêu hát Páo dung. Để lưu giữ truyền lại lời Páo dung cho thế hệ trẻ, năm 2016 thôn Khau Hán đã thành lập Câu lạc bộ hát Páo dung với 24 thành viên. Ông La Tài Vượng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Páo dung thôn Khau Hán cho biết, hát Páo dung không có nhạc cụ đệm. Nó được thể hiện ngẫu hứng, tự nhiên bằng chính cảm xúc cá nhân của người hát. Vì vậy Páo dung thấm đậm chất trữ tình. 


Phụ nữ Dao Đỏ thôn Khau Hán tự thiết kế trang phục cho dân tộc mình.
Trong quá trình thêu, họ cùng nhau hát Páo dung để giao lưu.

Giống như tiếng khèn của người Mông, chàng trai Dao phải “thủ sẵn” làn điệu Páo dung để đi tán gái. Để đánh giá “nửa kia” có tinh tế hay không mọi thứ đều thông qua lời Páo dung. Anh Chu Văn Vịnh, thành viên Câu lạc bộ hát Páo dung thôn Khau Hán kể, ngoài thuộc các làn điệu dân ca Dao, người thanh niên Dao phải có tài “ứng đáp”. Hai vợ chồng anh Vịnh, chị Xuân đứng ở ngoài sân “diễn” cho tôi nghe một đoạn giao duyên. Lời đối ngân lên: “Xin chào!/Đi theo hướng gió thổi đường đưa đến/Làng trù phú, gái làng đẹp có cho vào?”. Khi nghe lời ướm hỏi của các chàng trai bên nữ đáp lại rằng: “Vườn xuân! Ông chủ đưa hoa, hương thơm nức/Cửa làng rộng mở. Hương bay cao/Gõ cửa?”. Khi họ thấy giữa họ có duyên, cô gái hát: “Khi em gặp anh, em nghĩ rằng mình đã có duyên gặp nhau/Điều may mắn nhất của em là được cùng anh hát điệu giao duyên/Và em thấy lòng mình bình yên...!”. Chàng trai nghe xong lời hát của cô gái liền đáp: “Nghe em hát, anh cảm thấy rằng em đã yêu anh/Khi em về rồi, anh sẽ luôn nghĩ đến bài hát của chúng mình/Anh sẽ buồn lòng rất nhiều vì nhớ em...!”. 

Theo đánh giá của cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Bình Phú Đặng Văn Chu, từ khi Câu lạc bộ hát Páo dung thôn Khau Hán được thành lập, phong trào văn nghệ ở cơ sở đã phát triển sâu rộng. Câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên để chia sẻ với nhau những làn điệu Páo dung hay. Ngoài là hạt nhân văn nghệ nòng cốt của xã, Câu lạc bộ còn tích cực đi biểu diễn ở huyện, tỉnh nhằm giao lưu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc của người Dao Đỏ huyện Chiêm Hóa. 

Một ngày ở Khau Hán tuy chưa hiểu hết về Páo dung, song tôi đã “mường tượng” ra phần nào. Páo dung chính là “cơm ăn, nước uống” hàng ngày của người Dao. Qua làn điệu Páo dung tôi thấy tâm hồn người Dao thật bay bổng, lãng mạn, tinh tế, dí dỏm. Mỗi câu hát như chứa chan tình đất, tình người...

Theo TQOL

Tin cùng chuyên mục