Về nơi làm bánh củ chuối

Tỉnh ta có nhiều đặc sản, trong đó phải kể đến món bánh củ chuối của đồng bào Tày xã Yên Lập (Chiêm Hóa). Thường vào những ngày tháng 7 âm lịch, đi đâu trong 19 thôn của xã, chúng tôi cũng đều bắt gặp bà con làm bánh củ chuối. Ngoài làm bánh củ chuối để cúng trong các ngày lễ, giờ bánh củ chuối được người dân sản xuất thường xuyên để bán ra thị trường, phục vụ thực khách, trở thành một thương hiệu nổi trội của địa phương.

Miếng ngon nhớ lâu

Tôi nhớ cũng thời gian này năm ngoái, anh bạn ở Hà Nội dẫn một đoàn đi du lịch Hồ sinh thái Na Hang. Lúc về, xe ô tô đỗ ở thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) cho đoàn nghỉ ngơi uống nước. Thấy mấy chị bán bánh bên lề đường chào mời đon đả, mỗi người cũng mua một bịch bánh gai, bánh củ chuối về làm quà. Không ngờ về nhà khi “xơi” xong loạt bánh, ai cũng có cảm nhận khó quên về bánh củ chuối. Đối với họ, bánh gai có thể đã ăn nhiều lần rồi, nhưng bánh củ chuối đây mới là lần đầu tiên nên thật sự ấn tượng. Anh bạn tôi bảo, nhất định lần sau qua Tuyên Quang sẽ mua nhiều bánh củ chuối về làm quà. Bởi ai cũng thích, cũng tâm đắc về chất lượng, hương vị cũng như cái sự lạ của nó.

Mấy năm gần đây, tôi cũng nghe được nhiều ý kiến của khách du lịch ca ngợi về bánh củ chuối của đồng bào Tày huyện Chiêm Hóa, trong đó tập trung nhiều ở các xã: Yên Lập, Bình Phú, Phú Bình, Kiên Đài. Chọn ngày áp rằm tháng 7, tôi quyết định có một chuyến đi thực tế lên xã Yên Lập, chứng kiến các công đoạn bà con làm loại bánh cầu kỳ mà dân dã này.


Du khách mua bánh củ chuối tại đền Cấm, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang).

Mới ngồi uống chén nước chè ở một quán đầu xã, thấy mọi người kháo nhau chuyện đi lấy củ chuối rừng về làm bánh. Máu nghề nghiệp lại nổi lên, tôi xin đi theo cùng đoàn người băng suối, vượt núi cao, xuống các thung lũng tìm chuối rừng. Quả thật trên này bát ngát cây chuối rừng, chuối mọc thành từng đám ở quanh các khe nước có độ ẩm cao. 

Trán vã mồ hôi, chị Lương Thị Nga, dân tộc Tày, thôn Nà Nâu, xã Yên Lập đang chọn hai cây chuối rừng to. Chị bảo, để bánh ngon phải chọn củ chuối thật già. Cây chuối già thường rụng nhiều lớp bẹ, củ chuối còn chồi lên mặt đất thành các bướu. Chị dùng dao nhọn chọc sâu xuống phần củ, khi cây chuối đổ xuống thì chặt lấy phần củ. Chỉ cần hai củ chuối rừng to thì chị Nga thoải mái nguyên liệu làm 5 kg bột bánh.

Cùng với chị Nga là đoàn người trong xã chặt cành cây rừng làm đòn gánh củ chuối. Ngoài ra, họ còn lấy lá chuối rừng về để gói bánh cho thơm. Hơn nữa lá chuối rừng dai, to bản gói loại bánh đôi rất phù hợp. Thấy đoàn người đi lấy củ, lá chuối rừng đông như ngày hội, ai trong lòng cũng có cảm giác rộn ràng. Qua con suối đầu làng, họ bắt đầu ngồi gọt rửa củ chuối, rửa lá chuối chuẩn bị cho công đoạn làm bánh.

Thương hiệu bay xa

Mấy ngày đợt rằm tháng 7, các máy nghiền bột trên địa bàn xã Yên Lập đều chạy hết công suất. Lượng người đến nghiền bột củ chuối ngày càng đông. Bà Ma Thị Lai, dân tộc Tày, thôn Nà Dầu cho biết, củ chuối rừng lấy về được bà con thái mỏng, băm nhỏ xong luộc chín, rửa sạch mang đi nghiền thành bột hoặc giã nhuyễn. Mang bột củ chuối về canh với mật đường, trộn đều với bột gạo nếp nương được ngâm đãi, nghiền sẵn. Theo người dân ở đây, làm bánh bằng gạo nếp nương vẫn là ngon nhất. Phần nhân bánh có đỗ, dừa, dầu chuối, đường, lạc, vừng. Bánh được gói bằng lá chuối khô, cứ hai bánh liền với nhau thành một cặp. Bánh cho vào chõ hấp 30 - 40 phút là chín tới.


Bà Ma Thị Lai, thôn Nà Dầu, xã Yên Lập (Chiêm Hóa) vừa hoàn thành
món bánh củ chuối truyền thống của địa phương.

Bánh chín đạt yêu cầu có mùi thơm của gạo nếp nương và củ chuối, lá chuối rừng, có màu mật ong. Khi ăn bánh có độ dẻo, thơm ngậy của nhân, ngọt thanh, không bị nóng cổ. Vào ngày rằm tháng 7, nhà nhà ở xã Yên Lập đều làm món bánh củ chuối để dâng cúng ông bà tổ tiên. Bánh trở thành sản phẩm truyền thống dùng để ăn, biếu làm quà.

Ngày nay, do nhu cầu thị trường, nhiều nhà trong xã đã mạnh dạn sản xuất mỗi mẻ từ 50 - 70 kg bột. Các lái buôn tìm đến tận nhà đặt mua với số lượng lớn với giá 8.000 - 10.000 đồng/cặp bánh. Họ mang ra thị trấn Vĩnh Lộc, xuống thành phố Tuyên Quang bán lẻ với giá từ 14.000 - 15.000 đồng/cặp bánh. Ông Nguyễn Thanh Tùng, một lái buôn ở thành phố Tuyên Quang tâm sự, đợt rằm tháng 7 vừa qua, ông đã bán cho bà con trên địa bàn thành phố khoảng 5.000 cặp bánh củ chuối.

Thật ra, bánh củ chuối có thể làm quanh năm, nguồn nguyên liệu củ, lá chuối rừng dồi dào. Người dân hết mùa vụ nông nhàn đều có thể làm được. Bà Hoàng Thị Đa, dân tộc Tày - một người lám bánh củ chuối có tiếng ở thôn Nà Nâu khẳng định, người dân đang hướng tới làm bánh củ chuối chuyên nghiệp để bán. Hiện nay, lượng đặt hàng làm quà cho khách du lịch ngày một tăng, sản phẩm bánh củ chuối xã Yên Lập đã được nhiều người biết tới và tin dùng. Người dân Yên Lập mong muốn, trong dịp Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên năm 2017 được tổ chức tại thành phố Tuyên Quang tới đây, món bánh củ chuối “độc và lạ”  sẽ được trưng bày, giới thiệu tại gian hàng ẩm thực của huyện Chiêm Hóa. Để từ đó, du khách thập phương biết và hiểu hơn nữa về món bánh củ chuối rừng của người dân xã Yên Lập.  

Rời Yên Lập trong khung cảnh màu lúa đã ngả vàng. Chỉ còn ít ngày nữa bà con sẽ vào vụ gặt. Xong công việc đồng áng, các bà, các chị, các em lại tấp nập đi lấy củ chuối rừng về làm bánh. Lô hàng mà các lái buôn đặt phục vụ du khách nhân dịp Ngày hội và Lễ hội đang tới gần. Ai cũng cố gắng làm ra những mẻ bánh ngon nhất, để thương hiệu bánh củ chuối xã Yên Lập mãi bay xa…

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục