Nghề làm cây đàn tính ở Chiêm Hóa

Tiếng đàn tính vừa thiết tha ngọt ngào như âm thanh của núi rừng, vừa gần gũi bình dị giống như sự giao hòa trong cuộc sống giữa con người với thiên nhiên. Đàn tính, hát then là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Tày. Ngày nay, đồng bào người Tày ở Chiêm Hóa vẫn tiếp tục gìn giữ và truyền nghề làm đàn tính cho thế hệ trẻ.

Ông Com cùng với vợ đang làm cây đàn tính.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất then cọi xã Tân An, ông Nguyễn Văn Com là một trong những người con được thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ thủa nhỏ, đặc biệt là tình yêu về hát then đàn tính, không biết đã ngấm vào con người ông lúc nào không hay. Đến nay, dù đã bước sang tuổi 65 nhưng niềm đam mê, yêu thích về cây đàn tính như còn thấm sâu hơn trong con người ông. Được mọi người biết không chỉ giỏi về đàn hát then cọi, mà ông còn là người sáng chế, tạo tác ra những cây đàn tính truyền thống của người Tày ở Chiêm Hóa. Trong ngôi nhà sàn truyền thống của mình thuộc Tổ Vĩnh Thịnh, thị trấn Vĩnh Lộc, hiện ông đang lưu giữ và làm ra hàng trăm cây đàn tính. Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm để hoàn thành một cây đàn tính, ông Com cho biết; Đàn tính gồm các bộ phận chính là bầu đàn làm bằng nửa quả bầu khô, cần đàn thường làm bằng gỗ, dây đàn thì làm bằng tơ xe hoặc dây cước. Làm đàn tính khó nhất là tìm quả bầu. Phải chọn được quả bầu không quá to, cũng không quá nhỏ, miệng phải tròn, có chu vi từ 7 - 10 cm, phải là quả già, hình dáng bên ngoài tròn đẹp, vỏ dày, gõ vào phải kêu đanh, như thế đàn mới có âm sắc chuẩn. Rất ít người biết, phải trải quan rất nhiều công đoạn phức tạp mới tạo ra cây đàn tính và đòi hỏi người thợ còn phải là người biết hát các điệu then, những quãng âm, nhạc lý cơ bản.

Để làm được cây đàn tính cần tính kiên trì, đôi bàn tay khéo léo. Một cây đàn tính tốt, có tiếng đàn hay, chuẩn cần có hội tụ đủ các yếu tố: Bầu đàn đủ kích cỡ, đục lỗ bầu và chỉnh dây chuẩn. Với kinh nghiệm của mình, ông Com đã truyền lại cho rất nhiều con cháu trong gia đình và những người có niềm đam mê, yêu thích biết học hát, chơi đàn tính. Ông còn truyền lại kinh nghiệm cho các thành viên trong gia đình về quy trình để làm ra cây đàn, từ đó cùng ông tham gia các công đoạn làm đàn. Đây cũng là cách làm hay để cây đàn tính được lưu truyền trong nhiều thế hệ.

Những cây đàn tính do ông Com làm có chất lượng âm thanh tốt.

Bấy lâu nay, cây đàn tính trong âm nhạc của người Tày luôn giữ vị trí và vai trò quan trọng, nó vừa là dẫn dắt, vừa là đệm nhưng đồng thời cũng là một giọng hát thứ hai, bổ sung cho giọng hát nghệ sĩ diễn xướng. Đàn tính thuộc đàn họ dây, khi đánh đàn, dùng ngón tay trỏ của tay phải để gảy, âm thanh đàn tính mượt mà, rạo rực, tạo nên hồn ca dân vũ đặc sắc vang vọng khắp núi rừng, các bản làng, luôn cuốn hút niềm đam mê trong mỗi người khi muốn tìm hiểu về nó. Hiện nay, Cây đàn tính không thể thiếu trong các làn điệu then, trong các lễ hội, hoạt động truyền thống văn hóa, là món ăn tinh thần trong đời sống của cộng đồng người Tày Chiêm Hóa. Càng hiểu sâu về cây đàn tính, sẽ giúp cho đồng bào người Tày hiểu và thấy được giá trị, ý nghĩa của đàn và nét đẹp văn hóa độc đáo trong hát then, đàn tính của người dân tộc Tày. 

Ở mỗi nơi, mỗi nghệ nhân chế tác đàn tính lại có cách chọn lựa vật liệu cũng như phương pháp chế tác khác nhau nhưng cũng như ông Nguyễn Văn Com khi đã có niềm đam mê và gắn bó với cây đàn tính thì đều có một mong muốn chung lớn nhất, đó là lưu truyền cây đàn tính đến các thế hệ về sau, để tiếng hát then đàn tính sẽ được chảy mãi, xuyên suốt, trở thành nét văn hóa độc đáo riêng có của cộng đồng người dân tộc Tày nói chung.

                                                                    

Văn Linh

Tin cùng chuyên mục