Trung Hà chú trọng nâng cao chất lượng cam sành theo tiêu chuẩn VietGap

Với diện tích trên 430ha, Trung Hà là xã có diện tích trồng cam nhiều nhất của huyện Chiêm Hóa. Nhờ trồng cam, nhiều hộ gia đình ở một số thôn bản trên địa bàn xã Trung Hà đã có nguồn thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu. Cam sành cũng là sản phẩm được xã chọn là sản phẩm chủ lực để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm đặc trưng, vì vậy thời gian qua xã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cam sành theo tiêu chuẩn VietGap.

Chị Lý Thị Nhữ, thôn Khuổi Hỏi cho biết, gia đình có 1,7ha cam được trồng từ năm 2008. Trước đây khi chưa tham gia tổ sản xuất cam VietGap, vườn cam được chăm sóc theo phương thức truyền thống, năng suất cam của gia đình không cao, mẫu mã không đẹp. Từ khi tham gia tổ sản xuất cam VietGap, gia đình chị Nhữ được tập huấn, hướng hướng dẫn các quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên diện tích cam của gia đình chị phát triển, cho năng xuất, mẫu mã đẹp hơn, giá bán cũng cao hơn. 

Nông dân thôn Khuổi Hỏi, xã Trung Hà thu hoạch cam.

Gia đình anh Bàn Càn Thắng cũng là một trong những hộ tham gia tổ sản xuất cam VietGap của xã Trung Hà. Anh Thắng chia sẻ, với 1,2ha cam của gia đình từ khi được chăm sóc theo các quy trình, kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh cho cam theo đúng tiêu chuẩn VietGap, vườn cam của gia đình anh phát triển khá tốt. Nếu trước đây bình quân mỗi tháng anh phải phun thuốc bảo vệ thực vật 1 lần, thì nay thực hiện quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap sử dụng chế phẩm vi sinh trong phòng trừ sâu bệnh nên thời gian được lâu hơn, tiết kiệm được chí, công lao động.

Thương lái đến thu mua cam tại vườn cho người dân.

Xã Trung Hà hiện có trên 430ha cam tập trung nhiều ở các thôn Khuôn Pồng 1, Khuôn Phồng 2, Khuôn Nhòa, Khuổi Hỏi, Khuổi Đinh...Để khuyến khích phát triển vùng cam, thời gian qua xã đã tổ chức triển khai và thực hiện Đề án phát triển vùng sản xuất cam sành tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2014 – 2020 theo nghị quyết số 10 và 12 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó để nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm cam sành, từ năm 2017 xã đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap diện tích 15,4ha với 9 hộ gia đình tham gia. Thay đổi lớn nhất mà người nông dân nhận được khi thực hiện chăm sóc, sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap chính là giảm chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí giảm tới trên 50%. Đặc biệt triển khai thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm đặc trưng cam sành được chọn là sản phẩm chủ lực của xã thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm là hết sức cần thiết. 

Hông Nhung - Văn Linh

Tin cùng chuyên mục