Nghề ngả rượu cất, dưới con mắt người trong cuộc

Chỉ còn 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, những ngày này tại các gia đình nấu rượu truyền thống hay còn gọi là “nghề ngả rượu cất” đang khẩn trương chuẩn bị đẩy đủ nguyên liệu để cho ra nhưng sản phẩm rượu thơm ngon, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Với mong muốn vào ngày Tết âm lịch, mọi người, mọi nhà thường tặng nhau bình rượu để bày tỏ thịnh tình mong muốn gia chủ luôn khỏe mạnh, bình an, nét văn hóa đó đã trở thành phong tục đẹp và được lưu giữ từ đời này qua đời khác.

Cơ sở nấu rượu của ông Đào Xuân Chấp, bà Trần Thị Hòa, tổ Vĩnh Tiến thị trấn Vĩnh Lộc.

Có truyền thống từ nhiều năm nay, những bí quyết nấu rượu ngon được gia đình ông Đào Xuân Chấp, bà Trần Thị Hòa, tổ Vĩnh Tiến, thị trấn Vĩnh Lộc vẫn giữ được cái đặc trưng mà chỉ có gia đình ông mới có được. Thương hiệu sản phẩm “Rượu nấp cất hai lần ông Chấp” vừa được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận sản phẩm xếp hạng 03 sao thuộc Chương trình OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2020. Để có được thành quả này, ông Chấp chia sẻ: công việc chính của ông là nghề ngả rượu cất, chính vì thế mà ông đã quen với hương vị rượu nếp, rượu tẻ thơm, ngon, ngọt, chất men say nồng và những hạt gạo săn mọng, các công đoạn nhặt gạo, xôi cơm, vào men, ủ rượu để cho ra những mẻ rượu ngon. Đến nay, ông Chấp đã có 31 năm gắn bó với nghề ngả rượu, giờ đây chỉ cần nhìn màu rượu, ngửi vị rượu ông đã biết rượu ngon hay dở. Đó là kinh nghiệm quý báu mà cả một đời làm nghề ông mới “chắt” ra được.

Các công đoạn nấu rượu được thực hiện công phu, tỉ mỉ. 

Những thăng trầm từ nghề giờ đây đối với ông Chấp bà Hòa chỉ còn là những kỷ niệm vui bởi khi nhìn lại cũng nhờ nghề mà ông bà đã nuôi 03 người con khôn lớn, trưởng thành. Ông Chấp cho biết: Làm được mẻ rượu ngon, người làm nghề phải làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, phải rất công phu thì mới đạt đến độ đã uống một lần thì đảm bảo “say” lòng người thưởng thức. Gia đình ông nấu cả hai loại rượu nếp và rượu tẻ nhưng đều có quy trình làm như nhau. Để tạo nên những mẻ rượu ngon, dịu, êm, người thưởng thức rượu không bị đâu đầu sau khi uống, người làm nghề phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tỉ mẩn từ khâu chọn gạo, chọn men đến ủ nấu, lọc khử độc tố Arit đảm bảo theo quy trình và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày thường, ông Chấp nấu được khoảng 80 đến 90 lít, nhưng từ độ tháng 10 âm lịch trở đi thì mỗi ngày nấu gấp đối, gấp ba lần ngày thường. “Rượu nếp cất hai lần ông Chấp” hiện nay có giá bán 34.000đ/lít, rượu tẻ có giá 17.000/lít. Vừa qua gia đình ông đã đầu tư hệ thống tủ nấu cơm rượu, nồi nấu rượu cất hoàn toàn bằng điện, qua đó góp phần giảm sức lao động và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Giờ đây, ông Chấp bà Hòa đã ở ngoài tuổi lao động nhưng vẫn muốn tiếp tục với nghề. Với ông Chấp không chỉ ngả rượu cất bằng đôi bàn tay khéo léo, tỉ mẩn mà ông Chấp còn ngả bằng tình yêu nghề được vun đắp qua cả cuộc đời thăng trầm theo từng mẻ rượu.

Thời gian tới gia đình ông Chấp sẽ cố gắng duy trì nghề ngả rượu và luôn giữ chữ tín với khách hàng để xứng với thương hiệu sản phẩm OCOP, để làm sao “Rượu được ví như một thứ văn để thưởng thức, để thiết đãi bạn hiền, rượu có mặt trong tất cả các dịp lễ, Tết. Hương rượu thơm nồng được chưng cất lên từ cây lúa, rồi trộn với thứ men Bắc được sản xuất bởi đôi bàn tay của những nghệ nhân làng nghề trong nước. Sau bao ngày ủ rượu và chưng cất thủ công để cho ra những ly rượu nồng nàn”./.

Hải Hà - Ngọc Hiển

Tin cùng chuyên mục