Hồi sinh cây Sơn ta ở Ngọc Hội

Từ hàng chục năm trước đây, nhiều gia đình trên địa bàn xã Ngọc Hội đã trồng cây Sơn ta lấy nhựa. Mặc dù quá trình sản xuất còn nhỏ lẻ, thu hoạch chưa đúng quy trình kỹ thuật và chưa có đơn vị đầu tư, bao tiêu sản phẩm nhưng nhựa sơn đã mang đến nguồn thu nhập từ vài chục, đến vài trăm triệu đồng/hộ/năm. Khi nhựa sơn rớt giá xuống còn 12 nghìn đồng/ 1 kg, nhiều hộ đã phá bỏ để chuyển sang các loại cây trồng khác. Thế nhưng từ khi giá cao trở lại bà con trong xã đã tích cực chăm sóc số cây hiện có và mở rộng diện tích nâng tổng số diện tích sơn của xã lên hơn 162 ha.

Người dân chuẩn bị thu hoạch nhựa cây sơn tại xã Ngọc Hội.

Cây sơn đã được người dân xã Ngọc Hội trồng gần 20 năm, từ chỗ trồng sơn với quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu người dân địa phương, đến nay cây sơn phát triển rộng trong toàn xã. Hiện tổng diện tích trồng cây sơn của xã là 162 ha đã cho sản phẩm và 2,8 ha trồng mới mỗi ha sơn cho thu hoạch bình quân 5 tạ nhựa/năm. Số hộ tham gia trồng sơn khoảng khá đông chủ yếu tập trung ở các thôn Bắc Ngõa, Đầm Hồng 1, Đầm Hồng 2, Đầm Hồng 3, Khun Phục, Ngọc An, Kim Ngọc, Nà Bây, Khun Cang... Sau thời kỳ giá nhựa sơn thăng trầm, vài năm gần đây nhựa sơn bắt đầu có giá trở lại nhờ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu cao, cây sơn đã mang lại thu nhập khá cho bà con nông dân, hiện nhựa sơn được thương thái thu mua tận nhà với giá 400.000 đồng/1 kg. 

Nhận thấy lợi ích từ cây sơn, 100% hộ thôn Đầm Hồng 1 đều trồng sơn với diện tích khoảng hơn 20ha, trong đó có 20ha đang cho thu hoạch. Ông Phạm Gia Nhật, Bí thư Chi bộ trưởng thôn cho biết, mấy năm trở lại đây nhờ có sự quan tâm của các cấp, chính quyền về chuyển đổi khoa học kĩ thuật, ứng dụng giống cây trồng có năng suất vào trồng nên cuộc sống người dân đã từng bước đổi thay. Có được sự thay đổi đó, một phần có sự đóng góp từ cây sơn. Nhờ cây sơn nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, Cây Sơn ta là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của thôn nên năng suất nhựa khá cao, trung bình ước đạt 80 kg/ha/tháng và đạt từ 30 đến trên 40 tạ/ha/năm trong chu kỳ 8 năm.

Với hiệu quả kinh tế từ cây sơn mang lại, xã Ngọc Hội xác định tiếp tục nhân rộng diện tích trồng cây sơn là một trong ngững hướng đi mới nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng phù hợp, khai thác tiềm năng đất đai, để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Với mức giá cao và đầu ra ổn định như hiện nay thì cây sơn có thể coi là một trong những cây trồng giúp người dân ở xã thoát nghèo bền vững./.                        

Ngọc Hiển - Huy Dương

Tin cùng chuyên mục