Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Tăng độ che phủ, nâng cao chất lượng và giá trị rừng

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 trở lại đây. Số tiền hỗ trợ từ nguồn quỹ này góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng cao độ che phủ, tăng chất lượng và giá trị của rừng, cải thiện đời sống người dân.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra rừng trồng tại xã Tân An
của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa.

Trên địa bàn tỉnh có 21 chủ rừng là tổ chức nhà nước, quản lý 82.771,19 ha, trong đó có 4 chủ rừng là tổ chức nhà nước có diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng, gồm 3 Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý 60.907,3 ha; 1 công ty lâm nghiệp quản lý 516,7 ha. Đồng thời, có 6.309 hộ gia đình, cá nhân là chủ rừng thực hiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, tổng diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng toàn tỉnh năm 2018 là trên 129,3 nghìn ha. Tính đến nay, có 3 đơn vị đăng ký sử dụng dịch vụ môi trường rừng là Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang, Nhà máy Thủy điện Chiêm Hóa, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tuyên Quang. Tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng các hộ gia đình được chi trả năm 2018 ước đạt 1,08 tỷ đồng. 

Theo bà Lê Thanh Hà, Trưởng phòng Kỹ thuật (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có những tác động nhất định đến công tác quản lý và bảo vệ rừng trên phạm vi toàn tỉnh nói chung và ở lưu vực có cung ứng dịch vụ môi trường rừng nói riêng. Mặc dù thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng chỉ chiếm khoảng 2% so với tổng thu nhập của hộ gia đình, bình quân đầu người được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng đạt trên 40 nghìn đồng/người/năm, nhưng nguồn thu này đóng góp đáng kể trong thu nhập hàng năm của các hộ tham gia bảo vệ, cung ứng dịch vụ. Qua khảo sát của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, số tiền chi trả được các hộ gia đình sử dụng vào một số mục đích như: Mua lương thực, mua sắm đồ dùng, dụng cụ chăm sóc, bảo vệ rừng…

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình, trước đây, kinh phí hoạt động của đơn vị đều do ngân sách tỉnh cấp. Từ khi có tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng, từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng mà đơn vị được thụ hưởng đã giảm bớt gánh nặng cho ngân sách và thêm điều kiện để trang sắm phương tiện thiết bị bảo vệ và chăm sóc rừng. 

Chiêm Hóa là địa phương nhận được nhiều lợi ích từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng khi hầu hết các chủ rừng lớn trên địa bàn đều được chi trả hàng năm, đặc biệt là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa. Đây sẽ là động lực quan trọng để đơn vị thực hiện tốt nhất trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng của mình, trong đó kinh phí chủ yếu là để phòng chống cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng… những phần việc mà trước đây mặc dù đã được quan tâm, song vì nhiều lý do nên còn hạn chế. 

Cùng với các nguồn lực và thông qua các giải pháp, các hoạt động triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng thực hiện đồng bộ, đã góp phần làm giảm số vụ xâm phạm, phá hại rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép; không có các điểm nóng về tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. 10 tháng năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy gần 0,7 ha, trong đó phần thuộc lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên 0,18 ha. Toàn tỉnh xảy ra 406 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 6 vụ so với cùng kỳ năm 2017, gây thiệt hại trên 20 ha rừng. Khối lượng gỗ khai thác trái phép bị tịch thu 238 m3. Tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng cũng được tỉnh sử dụng chi trả trồng rừng thay thế, theo đó, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã trồng gần 45 ha rừng thay thế, góp phần tăng độ che phủ rừng toàn tỉnh. 

Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như việc xác định lưu vực và chủ rừng để chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng thu từ cơ sở sản xuất nước sạch còn khó khăn, do nguồn thu thấp, mỗi năm thu bình quân 300 triệu đồng trong diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo lưu vực lớn, bình quân đơn giá chi trả là 790 đồng/ha/năm. Thêm vào đó, Tuyên Quang không thành lập Ban quản lý rừng đặc dụng, diện tích rừng đặc dụng tập trung tỉnh giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng cho các hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng thực hiện.

Trong 3 Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh có 1 Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang đang quản lý bảo vệ diện tích 21.283,6 ha thuộc đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định số 147/2016/NĐ-CP, ngày 2-11-2016 của Chính phủ, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang không thuộc đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, do đó hiện nay tỉnh gặp khó khăn trong việc xác định tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho diện tích do Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng đang quản lý.

Không thể phủ nhận những tác động to lớn từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, từ việc tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng và nhân dân; đời sống người dân từng bước được cải thiện, góp phần tạo công ăn, việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng… Trong những năm tiếp theo, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục rà soát, xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng, lập danh sách bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng, để việc sử dụng dịch vụ và chi trả dịch vụ môi trường rừng đáp ứng được nhu cầu của người dân. 

TQĐT

Tin cùng chuyên mục