Chiêm Hóa phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ xuân

Vụ xuân năm nay, thời tiết diễn biến thất thường là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh sinh trưởng, phát triển và hại cây trồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã xuất hiện một số dịch bệnh hại cây trồng, tuy nhiên với sự chủ động của các cơ quan chuyên môn, tình hình dịch bệnh đã được khống chế, không lây lan ra diện rộng.

Chị Hà Thị Nông, thôn An Vượng cho biết: Gia đình chị trồng lạc được hơn 3 năm nay, chỉ với diện tích hơn 2000m2  nhưng mỗi năm gia đình chị thu về hơn 10 triệu đồng từ cây lạc. Xác định việc lựa chọn giống, chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh kịp thời sẽ quyết định đến năng suất và sản lượng của cây lạc, nên ngay từ đầu vụ, gia đình chị Nông đã chủ động lựa chọn giống lạc L14 cho năng suất cao vào gieo trồng. Ngoài ra chị đã được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc gieo trồng, đảm bảo đúng kỹ thuật. Đồng thời, gia đình chị còn thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh, không để sâu bệnh ảnh hưởng đến cây lạc.

Lãnh đạo Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Chiêm Hóa cùng bà con

kiểm tra sâu bệnh hại tại thôn An Thái xã Tân An.

 Để chủ động phòng trừ dịch bệnh hại cây trồng vụ xuân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, ngay từ đầu vụ, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Chiêm Hóa đã xây dựng phương án bảo vệ thực vật và triển khai đến các xã hướng dẫn bà con nông dân chủ động tham gia phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng. Ông Lâm Đình Chiến, Trạm trưởng Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Chiêm Hóa cho biết: Hiện nay trên lúa xuân đang ở giai đoạn đứng cái - làm đòng lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt. Đây là thời kỳ cây lúa rất mẫn cảm với sâu bệnh hại nhất là: Bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, ruồi đục nõn, Rầy nâu - RLT, sâu đục thân, chuột hại. Trạm trồng trọt và BVTV đã cử cán bộ bám sát địa bàn tăng cường công tác điều tra hướng dẫn nông dân phòng trừ có hiệu quả nhất là tại các xã có diện tích lúa xuân bị ảnh hưởng mưa đá trong thời gian vừa qua. Bên cạnh công tác theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh, Trạm BVTV còn hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên thăm đồng (2-3 lần/tuần), thực hiện các biện pháp thủ công tiêu diệt mầm bệnh ngay từ ban đầu như: Bắt sâu non, ngắt ổ trứng, vợt bướm… nếu mật độ sâu bệnh cao phải sử dụng thuốc BVTV, tăng cường bẫy bắt chuột, đổ nước ở những nơi có chuột gây hại. Thường xuyên chăm sóc, xáo xới, bón phân đúng kỹ thuật, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Trong trường hợp đến ngưỡng phòng trừ, lựa chọn sử dụng các loại thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh, theo nguyên tắc 4 đúng.

 

Nguyễn Bình - Huy Dương

Tin cùng chuyên mục