Chiêm Hóa phát triển các cơ sở chế biến lâm sản

Huyện Chiêm Hóa xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị rừng trồng, gia tăng chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong những hướng đi chủ đạo trong phát triển kinh tế. Do vậy, huyện đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, khuyến khích, mời gọi các công ty đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản.

Để có vùng nguyên liệu có chất lượng đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định cho ngành chế biến lâm sản, huyện Chiêm Hóa thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng; khuyến khích đưa những giống cây lâm nghiệp chất lượng cao vào trồng. Toàn huyện hiện có hơn 64.700 ha rừng sản xuất, hàng năm, huyện trồng mới trên 2.300 ha rừng tập trung, sản lượng gỗ khai thác đạt trên 115.000m3; tỷ lệ che phủ rừng trên 67,1%. 

Cơ sở chế biến lâm sản của anh Phạm Văn Khánh, thôn Bình Minh, xã Minh Quang.

 Phát triển rừng gắn với phát triển ngành chế biến gỗ, hiện huyện có trên trên 100 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 48 cơ sở sản xuất có quy mô công suất chế biến lớn, điểm hình như: Công ty TNHH Thuận Gia Thành, công ty TNHH Sao Việt, doanh nghiệp tư nhân Toàn Phát…;  cùng nhiều cơ sở chế biến nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Những năm gần đây các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ xẻ, gỗ thanh tăng mạnh, các sản phẩm chế biến chủ yếu như: Dăm mảnh, ván bóc, ván xẻ, ván thanh, chế tác và đồ mộc gia dụng. Các sản phẩm sau chế biến được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh, một phần được xuất khẩu. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các cơ sở làm đồ mộc truyền thống cũng được huyện quan tâm duy trì, phát triển. Cùng với tiêu thụ nguồn nguyên vật liệu tại chỗ, các cơ sở, doanh nghiệp còn thu mua lâm sản từ các địa bàn lân cận để chế biến, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Với lợi thế về đường giao thông, địa bàn giáp ranh với các xã của huyện Lâm Bình, nguồn nguyên liệu dồi dào, xã Minh Quang phát triển mạnh các cơ sở chế biến lâm sản, hiện xã có 3 cơ chế biến lâm sản lớn, tiêu thụ gần 1.500m3 gỗ mỗi tháng, tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương. Anh Phạm Văn Khánh, thôn Bình Minh, xã Minh Quang cho biết, năm 2017 anh đầu tư máy móc mở xưởng bóc ván gỗ kết hợp băm dăm mảnh, do nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường tiêu thụ ván bóc ổn định năm 2018 anh mở thêm xưởng bóc ván. Hiện nay mỗi tháng cơ sở chế biến lâm sản của anh bao tiêu gần 1.000mgỗ nguyên liệu cho người dân trong vùng; mỗi tháng cơ sở xuất bán khoảng 300m3 ván bóc sang thị trường Trung Quốc. Hiện cơ sở sản xuất  của anh tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên với mức lương 7 triệu đồng/ người/ tháng và 15 lao động thời vụ.

Cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động trên địa bàn.

Mặc dù có lợi thế về sản xuất lâm nghiệp, số lượng các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ tăng qua các năm nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ của huyện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Việc trồng rừng sản xuất mới chủ yếu tập trung vào cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy giấy, băm dăm, ván bóc, chưa phát triển trồng rừng gỗ lớn phục vụ chế biến hàng xuất khẩu. Vì vậy, huyện đang tích cực mời gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến lâm sản, trong đó huyện đã thu hút Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đầu tư vào Cụng công nghiệp An Thịnh đầu tư chế biến gỗ xuất khẩu với quy mô 29.000m2 , cùng với đó khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị rừng trồng. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển lâm nghiệp như Nghị quyết 03, ngày 25/7/2017 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2019-2021, trong đó năm 2019 huyện được hỗ trợ 109,9 ha giống cây keo lai mô. Huyện có hơn 6.500 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng quốc tế FSC.

Thời gian tới, huyện Chiêm Hóa tập trung phát triển chế biến với phát triển sản xuất lâm nghiệp, thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, quy hoạch rừng gỗ lớn, tăng chất lượng giống cây nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ. Phối hợp với các ngành chức năng, lực lượng Kiểm lâm tăng cường quản lý rừng, kiểm soát việc kinh doanh lâm sản nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào hợp pháp trước khi đưa vào chế biến. Đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất; chủ động thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển lâm nghiệp, hình thành liên kết từ cung cấp nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm sau chế biến mang lại giá trị kinh tế cao từ rừng./.                                                                                                                                           

Văn Linh - Tài Tùng

Tin cùng chuyên mục