Chiêm Hóa đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 – 2020; dự án cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh, huyện Chiêm Hóa đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Sau hơn 3 năm thực hiện, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện đạt trên 2.526 tỷ đồng Trong đó nông nghiệp đạt trên 1.405 tỷ đồng; lâm nghiệp đạt gần 334 tỷ đồng; thủy sản đạt trên 61 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu được bình quân 1ha canh tác đât trồng trọt đạt trên 103 triệu đồng/năm. Đây là minh chứng cụ thể việc chủ động của UBND huyện và các cơ quan chức năng trong triển khai thực hiện các đề án, dự án lớn của tỉnh, đã bám sát các tiềm năng, thế mạnh của huyện, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, sát với thực tế, tập trung vào các cây, con có giá trị kinh tế cao gắn với công tác xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Các chỉ tiêu chủ yếu thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn đạt kế hoạch theo lộ trình đề ra, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản như: Cây lạc, cây ăn quả, trồng rừng tập trung, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm ngày càng tăng cao. Các vùng chuyên canh tập trung tiếp tục được duy trì và mở rộng.

Cây lac đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Tân Mỹ.

Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Chiêm Hóa đã tập trung phát triển các vùng chuyên canh, năng suất cây trồng chủ lực như cây lạc, cây mía, cây cam. Giá trị sản phẩm thu được bình quân 1 ha canh tác trồng trọt năm 2019 đạt trên 103,3 triệu đồng, trong đó cây có giá trị kinh tế cao là cây lạc, cây cam. Hiện nay, diện tích cây cam trên 673 ha, trong đó đã cho sản phẩm trên 586 ha, cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP  trên 15 ha; năng suất trên 12 tấn/ha, sản lượng trên 6.820 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 54,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân trên 93 triệu đồng/ha. Năm 2019, diện tích lạc của huyện trên 2.700ha, năng suất 33 tạ/ha, sản lượng trên 8.940 tấn; giá trị sản xuất trên 179 tỷ đồng, (thu nhập bình quân từ trồng lạc trên 66 triệu đồng/ha/vụ).

Thực hiện mục tiêu là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong Đề án, huyện tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, gia trại. Với đàn trâu hiện có trên 28.900 con, huyện thực hiện duy trì đàn trâu theo hướng phát triển ổn định, bền vững, tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng giống và phát triển trâu hàng hoá tại các xã trên địa bàn huyện. Phát triển thương hiệu “Trâu Chiêm Hóa”. Tại thời điểm có trên 17 trang trại, gia trại chăn nuôi trâu tập trung trên 10 con trở lên.

Mô hình trồng cây cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Trung Hà.

Trong phát triển chăn nuôi, việc nuôi trồng thủy sản cũng được huyện Chiêm Hóa quan tâm đẩy mạnh, đặc biệt là nuôi cá đặc sản bằng lồng, bè trên sông, hồ như cá chiên, cá lăng. Huyện đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thủy sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.208ha Trong đó, diện tích nuôi trên hồ thủy điện Chiêm Hóa 446 ha, diện tích ao hồ toàn huyện 762,5 ha; toàn huyện hiện có 470 lồng, bè nuôi các loại thuỷ sản; sản lượng cá đặc sản hàng năm đạt khoảng trên 48 tấn; thành lập 1 tổ hợp tác nuôi cá lồng đặc sản tại xã Yên Nguyên; giá trị sản xuất cá đặc sản chiếm 32% tổng giá trị sản phẩm thủy sản.

Về phát triển lâm nghiệp, Chiêm Hóa trú trọng triển khai công tác trồng rừng hàng năm; đồng thời thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC với diện tích trên 6.466 ha, bình quân giá trị tăng thêm từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng/ha; Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 80 m3/ha/chu kỳ 7 năm. Công tác tiêu thụ gỗ rừng trồng chủ yếu bán cho tư thương chu chuyển cho các Công ty, xưởng chế biến gỗ trong và ngoài tỉnh. Từ phát triển trồng rừng gắn với thực hiện quản lý rừng bền vững, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện có thu nhập đáng kể, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Trong thời gian tới, Chiêm Hóa tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 173 ngày 15/11/2016 về thực hiện dự án cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020; đồng thời tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND huyện về phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thủy sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp để tăng đàn gia súc gia cầm, thủy sản theo kế hoạch; xây dựng Kế hoạch phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa theo chuỗi liên kết gia đoạn 2020-2025; Kế hoạch tái đàn lợn. Tích cực thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ sản xuất, xây dựng NTM trên địa bàn huyện./.

Tài Tùng

Tin cùng chuyên mục