Bình Phú bộ mặt nông nghiệp, nông thôn thay đổi từng ngày

Khoảng hơn chục năm về trước, xã Bình Phú luôn nằm trong tốp cuối về các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của huyện Chiêm Hóa. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ hộ nghèo trong xã, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế phát triển manh mún, nhỏ lẻ, lối canh tác lạc hậu, năng suất thấp...

Nghèo, đói bao trùm lên Bình Phú trong cả một thời gian dài, tưởng khó thoát khỏi. Nhưng vài năm trở lại đây, những cách làm mạnh dạn và sáng tạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương đã đưa Bình Phú từng bước vươn lên. Là xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện, Bình Phú chỉ có gần 200 ha đất nông nghiệp nhưng chỉ 86 ha có thể canh tác 2 vụ; lợi thế của xã là kinh tế rừng và chăn nuôi. Xã đặc biệt quan tâm đến kinh tế rừng và phát triển chăn nuôi hàng hóa theo hướng trang trại, gia trại, tìm hướng thoát nghèo bền vững cho nhân dân; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế theo từng giai đoạn cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Gia đình chị Hà Thị Hảo, thôn Bản Lếch, xã Bình Phú đầu tư phát triển 8 ha rừng
keo chuẩn bị cho khai thác. 

 Bình Phú tập trung chuyển đổi cơ cấu giống lúa, 100% diện tích được cấy bằng các giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao. Cơ cấu giống hai vụ lúa tập trung vào các giống Tạp giao, Khang dân, Thái Bình... đây chính là các giống lúa cho năng suất cao, chất lượng khá ổn định qua các mùa vụ. Việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn tạo được kỷ cương trong chấp hành lịch thời vụ, góp phần đẩy mạnh thời vụ phong trào sản xuất vụ đông. Năm 2013 là năm đầu tiên xã chính thức đưa vụ đông trở thành một trong những vụ sản xuất chính trong năm với trên 50 ha đậu tương cùng nhiều loại cây rau màu khác. 
Cùng với đó, xã Bình Phú đã tập trung xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi lợn có quy mô lớn. Hiện nay tổng đàn lợn của toàn xã là gần 2.000 con. Chị Hà Thị Xuyên, thôn Bản Lếch cho biết: Ở Bình Phú bây giờ hầu như nhà nào cũng chăn nuôi lợn, nhưng chăn nuôi không phải như trước đây là chỉ nuôi vài con thả ngoài vườn để đến ngày Tết mổ thịt; giờ nhà nào nuôi ít cũng phải 20 con trở lên, nuôi nhốt trong chuồng, 1 năm có thể bán được 2 đến 3 lứa. Nhiều hộ nuôi vài chục con một năm cũng thu được 30 đến 40 triệu đồng. Riêng nhà chị Xuyên mỗi lứa nuôi ổn định 30 con, một năm cũng thu được gần 40 triệu đồng.
Nhận thấy phát triển chăn nuôi lợn đang đi đúng hướng, được nhiều bà con trong xã thực hiện hiệu quả, xã đang có chủ trương tiếp tục phát triển phong trào chăn nuôi lợn tại địa phương với việc thành lập 2 tổ hợp tác chăn nuôi lợn. Sau khi đi vào hoạt động, 2 tổ hợp tác này ngoài việc tập hợp những hộ xã viên tham gia vào phát triển chăn nuôi thì còn thực hiện việc ký kết hợp đồng với một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh về việc bao tiêu sản phẩm lợn thịt cho bà con trong xã. Bên cạnh đó, xã cũng đã phối hợp với nhà máy thức ăn chăn nuôi gia súc Labaco (tỉnh Bắc Giang) tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn cho trên 100 hộ dân trên địa bàn. Sau khi được tập huấn các kiến thức và kỹ năng mới trong chăn nuôi được bà con áp dụng vào thực tế tại gia đình mình đã cho kết quả tốt. 
Hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ dân trí đã giúp Bình Phú khơi dậy được ý chí và sức mạnh nội lực trong nhân dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần giảm đáng kể hộ đói nghèo qua từng năm. Từ một xã kinh tế đặc biệt khó khăn, hiện nay, bộ mặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Bình Phú đang từng ngày có sự đổi mới.

 

Theo baotuyenquang.com.vn

Tin cùng chuyên mục