Chiêm Hóa: Phấn đấu sản xuất vụ mùa thắng lợi

Để đạt được mục tiêu năng suất lúa mùa từ 58 tạ/ha trở lên, sản lượng đạt trên 32.000 tấn, hiện ngành Nông nghiệp huyện Chiêm Hóa đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc giữa vụ, phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa.

Vụ mùa này, huyện Chiêm Hóa gieo cấy trên 5.575 ha, trong đó lúa lai trên 2.500 ha, lúa thuần trên 3.075 ha. Hiện đang là thời kỳ lúa đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng. Theo đánh giá, vụ này lúa phát triển tốt nhưng với điều kiện thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho một số loại sâu bệnh phát sinh. Theo báo cáo của trạm bảo vệ thực vật huyện, đang có hiện tượng sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đang vũ hóa với mật độ trung bình 3-5 con/m2, điểm cao cục bộ 6 - 7 con/m2; rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5 mật độ phổ biến từ 200-300 con/m2, nơi nhiễm nặng từ 500 đến 1.000 con/m2, tập trung ở các xã Yên Nguyên, Hòa Phú, Phúc Sơn, Minh Quang… Ngoài ra sâu đục thân, bọ xít, chuột gây hại rải rác ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện.

 


Nông dân thôn Làng Ải, xã Xuân Quang thăm đồng phát hiện sâu bệnh hại lúa.

Trước tình hình trên, UBND huyện Chiêm Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện khuyến cáo, tuyên truyền cho bà con nông dân chủ động, tích cực thăm đồng, theo dõi kịp thời phòng trừ sâu bệnh gây hại, chủ động nguồn nước tưới cho lúa sinh trưởng. Ngành nông nghiệp cử cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa, thực hiện công tác dự báo tình hình sâu bệnh; hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật diệt trừ sâu bệnh, ngăn chặn sự lây lan của sâu bệnh thành dịch làm ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng của vụ mùa.
Tại cánh đồng thôn Nà Khán, xã Hà Lang có khá nhiều bà con đang tập trung ra đồng để thực hiện các biện pháp chăm sóc lúa, anh Ma Văn Huấn, một nông dân cho biết: Theo kinh nghiệm, thời tiết nắng mưa thất thường rất dễ phát sinh sâu bệnh hại trên lúa nên mấy ngày nay, chúng tôi thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng trừ kịp thời. Hiện nay, lúa xuất hiện sâu đục thân nhưng tỷ lệ không cao, gia đình đang sử dụng biện pháp thủ công như bắt sâu, ngắt ổ trứng, vơ lá bệnh. Vụ  mùa này toàn bộ diện tích lúa nhà anh Huấn đều sử dụng phân viên nén dúi sâu để bón nên lúa sinh trưởng mạnh, đẻ nhánh nhiều.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT Chiêm Hóa, cũng vụ mùa này, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên 50 ha lúa trên địa bàn  huyện đã bị ảnh hưởng do ngập úng; do vậy, ngoài việc phòng trừ sâu bệnh, các địa phương đang khắc phục những diện tích bị thiệt hại. Tại xã Yên Nguyên, một trong những địa phương chịu thiệt hại lớn với trên 41 ha lúa bị ngập úng, trong đó, có 17 ha diện tích có nguy cơ mất trắng; đồng chí Ma Thị Huyền, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Số diện tích lúa trên địa bàn bị ngập úng tập trung chủ yếu tại các thôn Hợp Long 1, Hợp Long 2, Yên Quang... xã đã chỉ đạo bà con nhân dân khắc phục bằng các biện pháp như tỉa gốc, cấy dặm... với những diện tích không có khả năng phục hồi, xã chủ trương chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.
Với sự chỉ đạo tích cực từ huyện đến cơ sở, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Chiêm Hóa đang phấn đấu một vụ mùa thắng lợi; qua đó tạo thuận lợi để mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

 

Theo baotuyenquang.com.vn

Tin cùng chuyên mục