Bài 2: Sức hút từ chứng chỉ FSC

Rừng FSC mang đến đa lợi ích tạo sức hút lớn không chỉ với những doanh nghiệp mà ngay cả những người nông dân có thêm cơ hội làm giàu trên quê hương mình.

Chuyện những nông dân làm chứng chỉ rừng

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Tuyên Quang khẳng định, lợi nhuận từ rừng FSC mang lại đã thay đổi tư duy bao đời của người làm rừng Tuyên Quang. Từ chỗ chỉ biết lấy từ rừng hoặc có trồng rừng nhưng là để giữ đất làm tài sản, người nông dân giờ đây đã dám bỏ ra cả số tiền tỷ để đầu tư vào trồng rừng, cho thấy sức hút từ chứng chỉ FSC  là không hề nhỏ, làm “bảo chứng” cho sản phẩm của mình.


Dây chuyền sản xuất gỗ thanh xuất khẩu vào các nước EU của Nhà máy chế biến gỗ Thái Bình,
Công ty cổ phần Woodsland  Tuyên Quang.

Lấy được FSC cho diện tích rừng của nhóm hộ trồng rừng FSC xã Tiến Bộ (Yên Sơn), ông Nịnh Văn Lìn đã phải đánh đổi cả số tiền tỷ tích cóp của cả gia đình và bao mồ hôi, công sức. Ông Lìn bảo, ngày nắng cũng như ngày mưa chuyên gia yêu cầu là sẵn sàng lên rừng để khảo sát, kiểm tra, đánh giá. Vất vả là vậy nhưng ông Lìn vẫn quyết tâm làm, bởi ở tuổi 50, với gần 30 năm làm rừng, lão nông này mới thấy được lợi ích lớn từ FSC mang lại.  

Chứng chỉ rừng FSC, ngoài mục đích cho gỗ rừng trồng xuất ngoại, nâng cao giá trị mà còn bảo đảm an toàn, bền vững đối với cộng đồng, môi trường. Ông Lìn liệt kê rành mạch 10 nguyên tắc, 56 chỉ tiêu của FSC đánh giá về rừng sản xuất mà ông và các hộ dân làm rừng của xã Tiến Bộ rất tâm đắc và đang thực hiện rất nghiêm túc. Thực hiện đầy đủ các nguyên tắc về làm rừng theo tiêu chuẩn, gần 1.500 ha rừng của gia đình ông Lìn và 688 hộ dân của xã Tiến Bộ đã được các chuyên gia FSC kiểm tra, thẩm định và cấp chứng chỉ theo đúng kế hoạch. 

Cũng như các nhóm hộ ở Tiến Bộ, 123 hộ làm rừng tại xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) đã hoàn thành mục tiêu chứng nhận FSC cho 782,77 ha rừng sản xuất. Ông Phùng Văn Quyết, Trưởng nhóm trồng rừng FSC của 3 thôn Nà Giàng, Nà Nhoi và Bản Giảo chia sẻ, năm 2017 chuyên gia nước ngoài sang khảo sát, đánh giá, các chuyên gia đã chỉ ra cái sai của dân bản mình là: Mở đường khai thác vô tội vạ và đốt thực bì trước khi trồng rừng, đây là một trong  những nhóm nguyên nhân  khiến rừng, môi trường sống bị đầu độc, hủy hoại. 2 lỗi tưởng chừng rất nhỏ đó nhưng phải mất gần 2 năm ông và dân bản mới khắc phục được. Bản thân ông Quyết phải gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động nhưng lúc đầu dân bản không tin vì chưa hiểu hết các yêu cầu khắt khe của làm rừng FSC. Chỉ đến khi đích thân theo ông lên rừng cùng làm, bà con mới tin tưởng.  Giờ toàn bộ trên 100 ha rừng sản xuất của bà con trong nhóm không còn tình trạng đốt thực bì trước khi trồng, rừng được trồng theo đúng thiết kế để thuận lợi khi mở đường vận chuyển trong quá trình khai thác và hoàn trả hiện trạng rừng khi khai thác xong. 

Theo các chuyên gia lâm nghiệp, quá trình đầu tư cho tiêu chuẩn FSC tốn kém nhiều công sức và thời gian nhưng đây vẫn là “giấc mơ chung” của các địa phương có nhiều rừng sản xuất và doanh nghiệp ngành gỗ. Bởi một khi được cấp chứng chỉ, sản phẩm gỗ như có được “visa” đến với những thị trường khó tính nhất thế giới. Ông Triệu Đăng Khoa, Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, từ một tỉnh “cắp sách” đi học cách làm rừng theo tiêu chuẩn FSC tại tỉnh Quảng Trị, sau 3 năm Tuyên Quang đã dẫn đầu cả nước về trồng rừng theo tiêu chuẩn, với 10% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ (so với bình quân cả nước là 4%). Đã có nhiều đoàn của các tỉnh, thành phố về Tuyên Quang học tập cách làm về trồng rừng FSC.

Tổng hợp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến hết tháng 12, toàn tỉnh 19.787,2 ha rừng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng  FSC, trong đó có 11.583 ha của các công ty lâm nghiệp; còn lại của các nhóm, hộ gia đình.

Sức hút trong đầu tư

Với khoảng 200.000 ha rừng sản xuất, trong đó rừng được cấp chứng chỉ FSC là 19.787,2 ha, chiếm gần 10% tổng diện tích rừng sản xuất của tỉnh Tuyên Quang (so với mức bình quân toàn quốc khoảng 4%). Đây là cơ hội để Tuyên Quang thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành sản xuất chế biến gỗ.


Diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC của người dân xã Tiến Bộ (Yên Sơn).

Thực tế trong những năm qua, Tuyên Quang đã thu hút nhiều “ông lớn” trong ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang, trên địa bàn đang có Nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa với công suất tiêu thụ 600.000 m3 gỗ nguyên liệu giấy/năm và Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang nhu cầu nguyên liệu trên 210.000 tấn gỗ xẻ, Nhà máy đũa Phúc Lâm, huyện Chiêm Hóa công suất 250 triệu tấn sản phẩm/năm, nhu cầu nguyên liệu 10.000 m3 gỗ; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang, công suất 7.500 tấn sản phẩm, nhu cầu nguyên liệu khoảng 25.000 tấn/năm, cùng với hoạt động của trên 300 cơ sở chế biến gỗ, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. 

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang tiết lộ, huyện Yên Sơn vừa chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát (TP Hồ Chí Minh), doanh nghiệp sản xuất than viên xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam vào đầu tư trồng, chế biến gỗ có chứng chỉ FSC để xuất khẩu sang Nhật Bản. Điều đó cho thấy, FSC đang tạo ra sức hút lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực chế biến gỗ.  

Ông Hà Đăng Chỉnh, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Việt Nam khẳng định, 4 nhà máy đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng cho thấy, công ty đã đặt trọn niềm tin vào người trồng rừng Tuyên Quang, đặc biệt là trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Theo ông Chỉnh sản phẩm gỗ chế biến từ rừng gỗ rừng gồm: Gỗ dán, gỗ ép, gỗ thanh và một số sản phẩm nội thất khác được xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Mỹ, Nhật và tập đoàn AIKEA (tập đoàn đồ gỗ nội thất hàng đầu châu Âu). Đánh giá của các bạn hàng, chất lượng sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của công ty đã vượt xa các nước có sản phẩm gỗ xuất khẩu trong khu vực Đông Nam Á và đứng vào tốp đầu của thế giới. Phản hồi của bạn hàng là động lực để doanh nghiệp yên tâm gắn kết đầu tư, nỗ lực xây dựng thương hiệu gỗ FSC mang tên Tuyên Quang.

Bà Ngô Thị Thanh Dung, Trưởng phòng Truyền thông, Công ty TNHH Một thành viên An Việt Phát (TP Hồ Chí Minh) cũng khẳng định,  Tuyên Quang là tỉnh được công ty ưu tiên hàng đầu để tổ chức các hoạt động đầu tư. Bởi Tuyên Quang không chỉ có diện tích rừng sản xuất đứng vào top lớn nhất cả nước mà diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC cũng đang chiếm vị trí lớn nhất nước. Hơn nữa người làm rừng Tuyên Quang đã thay đổi tập quán sản xuất, rất chủ động hợp tác, thậm chí là mạnh dạn bỏ cả số tiền tỷ ra để thuê chuyên gia tư vấn, hỗ trợ đánh giá và đề nghị Hội đồng quản lý rừng quốc tế cấp chứng chỉ FSC. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động chế biến ngành gỗ mong muốn được hợp tác.

Thu hút được các công ty đầu tư xây dựng các nhà máy quy mô lớn chế biến gỗ, bột giấy và giấy nên Tuyên Quang có thị trường tiêu thụ gỗ ổn định, bền vững và thuận lợi nhất so với các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc. Trong khi nhiều sản phẩm nông nghiệp của Tuyên Quang cũng như trong cả nước luôn rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá” thì các sản phẩm gỗ  được các công ty bao tiêu. Đây chính là tiền đề thúc đẩy sản xuất, giúp người dân làm giàu từ rừng, gắn bó với rừng.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục