Bài cuối: Những cơ hội lớn…

Đánh giá của Tổng cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng diện tích rừng của tỉnh Tuyên Quang luôn giữ ở mức gần 500 nghìn ha, độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt gần 65%, đứng thứ 3 cả nước. Tuyên Quang là tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Dư địa phát triển còn rất lớn

Đầu năm 2017, Tuyên Quang đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch có sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Tuyên Quang trong nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển rừng bền vững và mong muốn xây dựng Tuyên Quang trở thành hình mẫu trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. Cũng tại hội nghị, Thủ tướng đã kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào Tuyên Quang; trao quyết định chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Woodsland đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản.


Cán bộ Kiểm lâm tỉnh khảo sát rừng trồng sản xuất của người dân xã Phù Lưu (Hàm Yên).

Mới đây nhất ngày 18-12-2018, tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Kinh tế lâm nghiệp đang là thời cơ lớn để Tuyên Quang làm giàu, nhất là trong bối cảnh ngành gỗ đang ngày càng xây dựng vị thế vững chắc. Tuyên Quang là tỉnh đứng đầu về nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng, đặc biệt là gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC.

Trong tổng số gần 500 nghìn ha rừng của tỉnh, có gần 200 nghìn ha là rừng sản xuất; mỗi năm các địa phương trong tỉnh trồng mới 11.000 ha. Hiện tại, Tuyên Quang mới có gần 20 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, chiếm khoảng 10% rừng sản xuất. Diện tích rừng lớn, năng suất bình quân rừng trồng của tỉnh đạt trên 75 m3/ha, sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 840 nghìn m3. Sản lượng gỗ rừng trồng của Tuyên Quang chiếm 23% tổng sản lượng gỗ khai thác toàn vùng trung du miền núi phía Bắc. Những con số trên cho thấy tiềm năng để mở rộng diện tích rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC tại Tuyên Quang còn rất lớn. Riêng thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn của tỉnh còn rất nhiều dư địa để phát triển bao gồm cả trong và ngoài nước.

Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính nhân sự, Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, các sản phẩm của công ty như bột giấy trắng, giấy in, giấy viết, giấy photocopy hiện đã xuất khẩu sang thị trường nhiều nước như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Băngladet…Doanh thu của công ty năm 2016 đạt trên 2.300 tỷ đồng, năm 2017 đạt 2.700 tỷ đồng, dự kiến năm nay đạt 3.000 nghìn tỷ đồng; thu nộp ngân sách nhà nước năm 2017 đạt 120 tỷ đồng, năm nay đạt 170 tỷ đồng. Sắp tới công ty đầu tư khởi công xây dựng thêm nhà máy sản xuất bột giấy công suất 150 nghìn tấn/năm, do vậy nhu cầu về gỗ nguyên liệu, đặc biệt là gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC sẽ rất cần để phục vụ chế biến..

Đại diện Công ty Woodsland Việt Nam cho biết, công ty có đến 95% lượng sản phẩm đồ gỗ chế biến từ gỗ rừng trồng xuất khẩu thị trường các nước, các bạn hàng của công ty có những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc gỗ nguyên liệu. Chính vì điều này nên ngay khi có chiến lược đầu tư xây dựng các nhà máy, công ty đã liên kết hợp tác với các tổ chức, nhóm hộ trồng rừng để hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng mà Hội đồng Quản lý rừng quốc tế đặt ra.                      

Chiến lược “phủ chứng chỉ” FSC cho rừng

Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tỉnh Tuyên Quang xác định, tiếp tục phấn đấu mở rộng mở rộng hơn nữa diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).


Đoàn kỹ sư của Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát (TP Hồ Chí Minh) khảo sát rừng trồng
 tại xã Chân Sơn (Yên Sơn) trước khi mời chuyên gia FSC sang đánh giá.

Tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế rừng, tiêu biểu là Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, giai đoan 2018-2021. Theo đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng có nhu cầu sẽ được tỉnh hỗ trợ cây giống (cây keo) nuôi cấy mô để phát triển trồng rừng gỗ lớn. Tỉnh cũng tạo điều kiện, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, nhóm hộ gia đình liên kết đầu tư trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC.

Bà Ngô Thị Thanh Dung, Trưởng phòng Truyền thông, Công ty TNHH Một thành viên An Việt Phát khẳng định, công ty đang có chiến lược hỗ trợ người dân Tuyên Quang “phủ chứng chỉ” FSC thêm 25.000 ha rừng trồng sản xuất tại 3 huyện Yên Sơn, Sơn Dương và Chiêm Hóa. Theo đó, công ty hỗ trợ hoàn toàn chi phí thuê chuyên gia đánh giá, khảo sát, cấp chứng chỉ; người làm rừng thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn, nguyên tắc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Công ty cũng cam kết thu mua toàn bộ sản lượng gỗ có chứng chỉ với  giá cao hơn gỗ rừng trồng thông thường 10% -15%. 

Ông Đỗ Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết, huyện có diện tích rừng trồng sản xuất lớn nhất tỉnh và cũng là huyện có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC. Sự tham gia của doanh nghiệp làm rừng FSC là giải pháp tối ưu để giảm bớt chi phí, giúp huyện mở rộng diện tích rừng trồng theo tiêu chuẩn. Bởi thực tế chi phí để cấp chứng chỉ rừng FSC rất tốn kém, trong khi điều kiện của các hộ trồng rừng khó có thể làm được.

Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rừng trồng theo tiêu chuẩn của Việt Nam trên cơ sở phù hợp với Bộ tiêu chí của Hội đồng Quản lý rừng Quốc tế (FSC) và Hội đồng Quản lý rừng châu Âu (PESC-FM). Ông Việt dự tính, khi bộ tiêu chí của Việt Nam hoàn thiện và được áp dụng rộng rãi sẽ giảm được rất nhiều chi phí cho quá trình đánh giá, hoàn thiện hồ sơ cấp chứng chỉ rừng FSC của người dân. Đây là cơ hội để Tuyên Quang mở rộng vùng “phủ chứng chỉ” FSC cho diện tích rừng trồng sản xuất của tỉnh. 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục