UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4

Ngày 20-4, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4-2022. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh; các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Mở đầu phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phục hồi sản xuất. Song song với đó, cần rà soát các dự án chậm triển khai trên địa bàn, kiên quyết thu hồi các dự án chậm trễ, gây lãng phí nguồn lực của tỉnh. Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, cần phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phát huy hiệu quả của nguồn vốn. Về tiêm phòng vắc xin Covid-19, cần khẩn trương tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo an toàn.

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Việt Hoà

Phát triển giáo dục phổ thông ngoài công lập

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển giáo dục phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022 – 2030.

Nghị quyết nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, thông qua các chính sách thúc đẩy phát triển tăng quy mô các trường phổ thông ngoài công lập, đáp ứng các nhu cầu học tập ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Các ý kiến phân tích về các chính sách và các giải pháp thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư mua sắm thiết bị tối thiểu, hỗ trợ đầu tư xây dựng các khối công trình, hỗ trợ học sinh tuyển mới đầu cấp học và hỗ trợ kinh phí để trả lương cho giáo viên tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập...

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Việt Hoà

Tại kỳ họp, ngành Giáo dục trình dự thảo kế hoạch thí điểm lớp 8, lớp 9 THCS tại Trường THPT Chuyên Tuyên Quang năm học 2022 – 2023.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, phát triển giáo dục ngoài công lập là cần thiết và là xu hướng tất yếu của xã hội nhằm chia sẻ khó khăn với các trường công lập, đồng thời tạo sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Đồng chí giao Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu về nội dung các chính sách khuyến khích cụ thể, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thẩm quyền ban hành, đảm bảo theo đúng quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Riêng với kế hoạch mở lớp 8 tại Trường THPT Chuyên Tuyên Quang năm học 2022 – 2023, đồng chí Chủ tịch UBND đồng tình với kế hoạch tuyển sinh, song phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh đang theo học tại trường, tránh tình trạng học lệch.

Lãnh đạo Sở Tư pháp phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Việt Hoà

Xác định rõ đối tượng hỗ trợ gặp khó khăn do Covid-19

Về dự thảo Quyết định tiêu chí xác định đối tượng, hồ sơ, thủ tục hỗ trợ đối với hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và những người bán quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, các đại biểu cho rằng, hiện nay việc xét đối tượng, lập hồ sơ, trình tự thủ tục giải quyết phải nhanh gọn, chính xác, đúng đối tượng.

Đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: Việt Hoà

Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí với ý kiến của các đại biểu. Đồng chí cũng yêu cầu, ngành chuyên môn, các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện, mục tiêu cuối cùng là tiền đến với người dân được thụ hưởng đúng thời gian quy định.

Sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện môi trường

Mục tiêu của Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, tỉnh tập trung phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có năng lực cạnh tranh trong vùng, đảm bảo hài hòa các lợi ích kinh tế - xã hội, môi trường; định hướng đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh, trong vùng và xuất khẩu hiệu quả; đa dạng hóa chủng loại sản phẩm giá trị cao, thân thiện với môi trường...Phấn đấu đến năm 2030, ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh đạt được trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại thân thiện môi trường; đến năm 2050, ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh được tự động hóa hoàn toàn trong quá trình sản xuất và trở thành ngành công nghiệp xanh.

Đóng góp vào đề án, các đại biểu nêu ý kiến, phát triển sản xuất vật liệu xây dựng là cần thiết, tuy nhiên phải thực hiện quy hoạch và tính toán đến việc phát triển vật liệu mới thân thiện với môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kết luận cuộc họp. Ảnh: Việt Hoà

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đề án phát triển vật liệu xây dựng mục đích chính là phục vụ nhu cầu của tỉnh. Do đó phải bám sát với quy hoạch tỉnh. Phát triển vật liệu xây dựng phải có tính cạnh tranh, quan tâm đến vật liệu mới, thân thiện môi trường...Để đảm bảo thực hiện đề án hiệu quả, bền vững, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng, đơn vị tư vấn tính toán, tiếp thu ý kiến của đại biểu hoàn thiện đề án trước khi trình UBND tỉnh xem xét.

Phiên họp đã cho ý kiến vào dự thảo Quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các sở, ngành: Y tế; Tài chính, Công thương... 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục