Nghị lực vượt khó của người thương binh nặng

Là thương binh hạng 1/4, Ông Hà Hữu Độ ở thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang được biết đến là một trong những người đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc. Bị thương nặng với tỷ lệ thương tật hơn 90% nhưng sau khi trở về quê hương, ông đã thể hiện ý chí của người lính bộ đội Cụ Hồ “thương binh tàn nhưng không phế” luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Vừa qua, ông được tham dự buổi gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 và được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen.

Ông Độ bồi hồi xúc động lần dở lại kỷ vật của một thời hào hùng.

Tiếp đón chúng tôi trong dịp những ngày cuối tháng tư này, trong ngôi nhà sàn đơn sơ, mộc mạc của mình, bao ký ức về những tháng năm lịch sử như lại ùa về đối với người thương binh Hà Hữu Độ, một người lính đã từng tham gia 2 cuộc chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc. Bồi hồi kể lại những ký ức không quên, ông Độ cho biết, năm 1969 ông tham gia quân đội khi tuổi mới tròn 17, tiếp sức cho chiến trường Miền Nam, thuộc Quân đoàn 3, đóng tại Tây Nguyên. Sau những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt nhất và giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước ông tiếp tục được điều về Đại đội 3, Tiểu đoàn 4 thuộc Huyện đội Quản Bạ, tỉnh Hà Tuyên cũ giữ chức Đại đội trưởng. Năm tháng tham gia tuần tra, bảo vệ biên giới cũng là lúc ông bị thương do trúng phải mìn. Bị thương ở hai mắt và hai chân ông được chuyển về tuyến sau để điều trị và sau đó trở về địa phương với thương tật hơn 90%. Tập tễnh đi về phía tủ lấy ra kỷ vật thời chiến mà ông đã giữ cho mình hơn 40 năm qua. Cầm trên tay chiếc áo lính mới tinh, còn nguyên nếp gấp, đây là chiếc áo được ông Độ coi là kỷ vật giá trị, thời chiến tranh chống Mỹ ông được Tổng cục Hậu cần vào thăm tặng quà. Hai người một suất quà là 1 bộ quần áo, ông lấy áo, còn đồng đội ông lấy quần. 

Tham gia 2 cuộc chiến tranh ác liệt, ông đã để lại một phần cơ thể trên chiến trường và trở về quê hương khi ông bị hỏng 1 bên mắt và 1 bên chân. Hôm nay, sống trong thời bình, tuy sức khỏe giảm sút nhưng ông không hề khuất phục trước khó khăn mà quyết tâm vươn lên, tiếp tục là người lính dũng cảm chiến thắng cái nghèo khó trong cuộc sống. Sau nhiều năm nỗ lực cố gắng, gia đình ông hiện nay đã có 5 ha rừng keo, hơn 2.000 m2 ao thả cá, chăn nuôi trâu và dê. Mô hình của ông đã được công nhận là mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Phát huy bản chất người lính Cụ Hồ, dù mang thương tật trên mình nhưng ngày ngày ông vẫn tập tễnh cùng chiếc nạng gỗ lên rừng phát cỏ, đi lấy thức ăn để chăn nuôi cá, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Kinh tế gia đình ổn định, con cái được đi học đầy đủ và có công ăn việc làm ổn định, ông Độ cùng gia đình luôn tự hào về những hy sinh, đóng góp cho đất nước và những nỗ lực để có được cuộc sống hạnh phúc trong thời bình như hôm nay. 

"Thương binh tàn nhưng không phế" là lời dạy mà Bác Hồ đã dành cho những người đã từng đi qua cuộc chiến. Và ông Độ là một trong những con người như  vậy, bằng sự  lao động cần cù, ý thức tự vượt lên bệnh tật và mọi khó khăn trong cuộc sống, ông đã thật sự là động lực tinh thần lớn cho người thương binh khác cùng vươn lên trong cuộc sống./.                        

Văn Linh - Tài Tùng

Tin cùng chuyên mục