Chuyện xung phong thoát nghèo ở Phúc Sơn

 “Trong 2 năm, xã có 51 hộ tự nguyện rút khỏi danh sách hộ nghèo. Việc đó đang trở thành động lực để người dân thi đua phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, hầu hết các hộ xin thoát nghèo lại là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào về tái định cư, nên sức lan tỏa càng mạnh”. Đó là khẳng định của ông Chẩu Văn Học, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa).

Ý thức vươn lên

Thửa này thu hoạch lạc, thu hoạch lúa thì thửa kia đã làm đất gieo mạ là cảnh ngày mùa trên các cánh đồng của xã Phúc Sơn, nơi có diện tích cây lạc trên 680 ha/năm, sản lượng trên 2.200 tấn, giá trị kinh tế trên 39 tỷ đồng, vì vậy Phúc Sơn được gọi là vựa lạc của huyện. 

Chị Bàn Thị Lái (bên phải) dân tộc Dao, thôn Phiêng Tạ, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa)
thu hoạch lạc vụ xuân 2018. Gia đình chị là một trong số hộ tự nguyện xin thoát nghèo.

Trưởng thôn Phiêng Tạ, ông Ma Văn Bộ khoe, đời sống của nhân dân đã bớt khó khăn nhiều, vừa nhờ nhà nước quan tâm, vừa là người dân nỗ lực làm kinh tế. Thôn Phiêng Tạ có 114 hộ với trên 500 nhân khẩu, chủ yếu người Dao đỏ vùng lòng hồ Na Hang về tái định cư. Những năm đầu phải sắp xếp, kiến thiết lại nhà cửa, làm quen với cuộc sống mới nên gặp khá nhiều thiếu thốn. Để người dân ổn định cuộc sống, các cấp ngành trong tỉnh đã cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân canh tác, đồng thời cũng đưa khoa học kỹ thuật, giống cây, con về hỗ trợ bước đầu.

Đến nay, thôn có 22 ha đất xen canh lạc, lúa; trên 100 ha rừng sản xuất, trên 20 ha mía. Sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước cộng với sự chăm chỉ và ý thức vươn lên của người dân đang từng bước đem lại cuộc sống ổn định. Đây cũng là lý do mà nhiều hộ đã thoát khỏi cảnh nghèo khó, chủ động xin thoát nghèo, từng bước xây dựng cuộc sống mới với tinh thần tự lực không ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. 

Chị Bàn Thị Lái đang khẩn trương thu hoạch lạc để lấy đất làm ruộng mạ, nghỉ tay bảo: Giá bán 1 kg lạc tươi giờ chỉ được 9.000 đồng, vụ này chắc chỉ được 8 đến 9 triệu đồng. Nhưng bù lại, vụ này lạc lại cho củ to hơn, mẩy hơn. Gia đình chị Lái là 1 trong 5 hộ dân tộc Dao tự nguyện xin thoát nghèo năm 2016, khi cuộc sống đã đi vào ổn định. Ngoài 1 bung đất một vụ lúa, một vụ lạc, gia đình chị Lái còn có trên 2 ha đất vườn đồi trồng keo được 2 năm tuổi. Chia sẻ về việc làm đơn xin thoát nghèo, chị Lái bảo: “Vợ chồng mình có sức khỏe, chịu làm thì sẽ sống tốt, để dành phần hỗ trợ cho những hộ khó khăn hơn mình”. 

Thôn Đồng Tiến có 104 hộ dân tộc Tày, Nùng. Phong trào phát triển kinh tế hộ, thoát nghèo được người dân đẩy mạnh những năm gần đây. Hẹn trước, nhưng phải chờ cả tiếng, Trưởng thôn Pan Thanh Bình mới đi thu hoạch ngô về, ông hớt hải bảo: “Thông cảm cho cánh nhà nông, mùa vụ mà không làm ngay sợ không kịp làm đất để gieo mạ cấy vụ mùa, mà không kịp vụ mùa thì lại nhỡ cả vụ đông”.

Nói về chuyện người dân xung phong thoát nghèo, ông Bình phấn khởi, tụi trẻ nỗ lực lắm! 11 giờ trưa rồi nhưng vẫn còn ở cả ngoài đồng. Hộ nào không làm nông nghiệp thì cũng đi làm nghề phụ, buôn bán. Ai cũng muốn vươn lên thoát nghèo, trong 2 năm 2016, 2017, thôn có 21 hộ thoát nghèo, trong đó 11 hộ đã tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Các hộ tự nguyện xin thoát nghèo đều đã vươn lên được, nhiều hộ xây dược nhà cửa khang trang, điển hình như gia đình anh Vi Văn Nhất, Ma Phúc Nghiệp, Ma Quốc Duyệt, Chu Văn Minh, Chẩu Văn Tiệp…

Ngôi nhà xây vẫn còn hăng mùi xi măng của gia đình anh Chu Văn Minh vừa hoàn thành đầu năm 2018, rộng trên 80 m2, trị giá trên 150 triệu đồng. Anh Minh không được may mắn như người khác, đôi tay khuyết nhiều ngón, đôi chân cũng vậy, nhưng ý chí vươn lên đáng để nhiều người nể phục. Mặc dù bị tật nguyền do di truyền, nhưng anh lại học nghề thợ xây và vẫn làm được việc như mọi người. Vợ chồng anh chăm chỉ làm ăn, nhưng vì thiếu vốn nên làm cũng phải từng bước.

Anh Minh chia sẻ, năm 2017, anh được MTTQ huyện phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ 40 triệu đồng cộng với tiền vợ chồng anh dành dụm bấy lâu anh đã xây được ngôi nhà mới. Chia sẻ việc anh tự nguyện xin thoát nghèo, anh Minh bảo: “Cuộc sống đã ổn định, nay lại làm được nhà cửa khang trang nên tôi quyết định rút khỏi hộ nghèo để mình còn vươn lên hộ khá”. Sau chục năm nỗ lực làm trên 1 bung ruộng, chăn nuôi lợn, lúc nhiều từ 50 - 70 con lợn thịt rồi cả nghề thợ xây, đến giờ vợ chồng anh Minh đã thoát nghèo bền vững.

Chung tay cùng người dân

Bà Ma Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, chính quyền xã tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói ở từng gia đình, từ đó chọn ra phương án như: Mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, tập huấn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tín chấp với ngân hàng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay; thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng các mô hình trong phát triển kinh tế để nhân dân học tập.

Anh Nông Văn Hách, thôn Phia Lài tự nguyện xin thoát nghèo năm 2017 chia sẻ, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng. Anh đầu tư trồng 4.000 m2 rừng, 2.500 m2 lạc, ngô và chăn nuôi lợn, trâu sinh sản... và đã thoát nghèo. Trong năm tới, anh và gia đình phấn đấu mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao thu nhập để thoát nghèo thực sự bền vững.

Bên cạnh việc giúp người dân thoát nghèo bằng phát huy nội lực tại địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền xã còn quan tâm tới việc khai thác có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước như Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới; ứng dụng KHKT vào sản xuất lạc, trồng gần 200 ha mía, 300 ha rừng sản xuất.

Cán bộ xã, thôn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân đưa những giống lạc mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, từng bước nâng cao năng suất cây lạc lên 33 tạ/ha. Xã đã thành lập 2 tổ phát triển sản xuất tại thôn Phiêng Tạ và thôn Búng Pẩu với 45 hộ tham gia.

Anh Triệu Phúc Thu ở thôn Phiêng Tạ cho biết, gia đình anh có 3.000 m2 đất ruộng trồng lạc, tham gia tổ sản xuất, gia đình anh và các thành viên trong tổ thực hiện theo hướng dẫn chung từ sử dụng giống lạc L14, vật tư, phân bón đầu vào, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lạc đến khi thu hoạch, bảo quản sản phẩm và xuất bán ra thị trường. Mỗi vụ gia đình anh thu được trên 2 tấn lạc củ tươi, bán với giá 9.000 đồng/kg thu được gần 19 triệu đồng.

Người dân nỗ lực vươn lên, cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm sát sao, hộ nghèo của xã Phúc Sơn đã giảm mạnh trong những năm qua. Chỉ trong hai năm 2016 và 2017, toàn xã có 297 hộ  thoát nghèo, trong đó 51 hộ đồng bào dân tộc thiểu số xin ra khỏi diện hộ nghèo. Những hộ này, tuy chưa phải là khá giả, nhưng họ đã tự nguyện gác bỏ những lợi ích có được từ tiêu chuẩn hộ nghèo để vươn lên trong cuộc sống bằng chính khả năng của mình.

Chủ tịch UBND xã Chẩu Văn Học cho rằng, việc các hộ tự nguyện xin thoát nghèo khi thấy kinh tế đã ổn định không chỉ thể hiện tinh thần tự giác mà còn là sự hiểu biết, tự trọng và trách nhiệm. Họ không lợi dụng chính sách, hỗ trợ của Nhà nước, sẵn sàng nhường lại ưu tiên cho các hộ khó khăn thực sự. Ghi nhận, biểu dương những hộ này, xã Phúc Sơn đã trích kinh phí để biểu dương và có một phần quà nhỏ tặng các hộ xin thoát nghèo. Việc làm của người dân và chính quyền xã đã và đang trở thành phong trào thi đua vượt nghèo làm giàu ở xã 135 dưới chân đèo Lai.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục