Chiêm Hóa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước

Thời gian qua, huyện Chiêm Hóa đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, qua đó đã nâng cao năng lực, hiệu quả trong việc chỉ đạo, điều hành giữa các cấp chính quyền trên địa bàn huyện; giúp các cơ quan trong hệ thống chính quyền chủ động thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành nhanh chóng và hiệu quả; tiết kiệm thời gian, chi phí bố trí phương tiện đi lại, góp phần tích cực trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn huyện.

Hiện nay hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện Chiêm Hóa cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện có mạng nội bộ (LAN), có kết nối Internet băng thông rộng và thực hiện trao đổi, tra cứu, khai thác thông tin trên môi trường mạng. UBND huyện Chiêm Hóa đã thực hiện việc trang bị máy tính làm việc cho cán bộ, công chức (CBCC) đảm bảo đạt tỉ lệ 01 CBCC/máy, mỗi cơ quan đều có máy tính phục vụ công tác bảo mật; phần lớn các máy tính đều được kết nối mạng Internet phục vụ cho quá trình khai thác dữ liệu, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Bộ phận một cửa xã Tân An  ứng dụng CNTT tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính

UBND Chiêm Hóa đang triển khai, sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành iOffice (do Viễn thông Tuyên Quang cung cấp) đối các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện và 26 xã, thị trấn đảm bảo việc gửi nhận văn bản điện tử thông suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành; thông tin báo cáo; phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ..; phối hợp với chi nhánh VNPT Chiêm Hóa tổ chức họp trực tuyến thông qua phần mềm Client Vmeet 720P, sử dụng đường truyền dữ liệu chuyên dụng do VNPT cung cấp. Đồng thời triển khai thực hiện phần mềm một cửa liên thông - VNPT IGate (do Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam cung cấp) đối với Trung tâm hành chính công huyện Chiêm Hóa (nay là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại) và bộ phận một cửa các xã, thị trấn, bước đầu đem lại hiệu quả rất tích cực góp phần cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó tại bộ phận một cửa đã niêm yết trình tự các thủ tục hành chính và cung cấp danh mục cho Trung tâm Văn hóa - Truyền thông và Thể thao huyện thực hiện niêm yết trên Cổng thông tin điện tử của huyện, với 248 dịch vụ hành chính công (trong đó: Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là 102 dịch vụ, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 142 dịch vụ, dịch vụ công mức độ 4 là 4 dịch vụ).

 

      

  Viễn thông Tuyên Quang  tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành IOffice 

Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, huyện cũng đã ban hành Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước. Trong giai đoạn 2016-2020 chưa phát hiện ra trường hợp bị tấn công mạng, mất dữ liệu thông tin. Hàng năm, UBND huyện cử cán bộ có chuyên môn tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, diễn tập về an toàn thông tin mạng do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức. Chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp, hướng dẫn khắc phục các sự cố an ninh mạng của các ngành chức năng triển khai theo quy định.

Huyện Chiêm Hóa ứng dụng CNTT trong tổ chức Hội nghị truyền hình trực tuyến.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Chiêm Hóa tiếp tục đẩy mạnh sử dụng có hiệu quả các ứng dụng, hệ thống phần mềm dùng chung như: Cổng thông tin điện tử; thư điện tử công vụ; phần mềm quản lý văn bản và điều hành; hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến; Cổng dịch công trực tuyến mức độ 3, 4 và phần mềm một cửa điện tử;... phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo các cấp. Bảo đảm kết nối liên thông, thông suốt hệ thống Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của huyện với các cấp. Nâng cao tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025 số cuộc họp trực tuyến từ huyện đến cơ sở đạt trên 80%; 100% cuộc họp trực tuyến từ huyện đến cấp tỉnh được thông suốt. Tiếp tục bổ sung, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật CNTT, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bí mật nhà nước tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC; sử dụng hiệu quả Phần mềm một cửa điện tử để cung cấp các Dịch vụ công trực tuyên mức độ 3, 4 phù hợp với nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp nhằm tăng số lượng hồ sơ tiếp nhận, xử lý qua mạng. Nâng cấp, bổ sung trang thiết bị CNTT tại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành chỉ tiêu "Tối thiểu 50% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 3, 4". 

Trương Thị Thu Hà, Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục