Chiêm Hóa đẩy mạnh công tác phòng, tránh bệnh tan máu bẩm sinh

Bệnh tan máu bẩm sinh (có tên khoa học là: Thalassemia) là nhóm bệnh máu di truyền bẩm sinh gây tan máu thường xuyên dẫn đến thiếu máu mạn tính. Tại huyện Chiêm Hóa, cứ 10 người thì có 03 người có khả năng mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh sẽ phải đi viện suốt đời, chi phí điều trị bệnh rất tốn kém, đe dọa gây tan vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng đến nòi giống sau này. Huyện Chiêm Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tiếp cận thông tin cho nhân dân cũng như cách phòng tránh căn bệnh này.

Cháu Hoàng Anh Tuấn, 4 tuổi đến từ huyện Na Hang, không may khi mắc phải căn bệnh bệnh tan máu bẩm sinh. Theo chị Mai Thị Loan, mẹ cháu Tuấn, trước khi cưới nhau vợ chồng chị chưa bao giờ đi khám sức khỏe vì nghĩ rằng, dòng họ không ai mắc bệnh, anh, chị em mình lấy chồng, lấy vợ và sinh con đều khỏe mạnh thì chắc mình cũng chẳng làm sao. Nhưng sau khi sinh cháu Tuấn được 7 tháng tuổi, vợ chồng chị thấy cháu phát triển không bình thường, da xanh xao, cơ thể suy nhược, vợ chồng chị cho cháu đi khám ở bệnh viện tỉnh, các bác sỹ kết luận cháu bị thiếu máu và chuyển cháu lên bệnh viện tuyến trung ương. Tại bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sỹ kết luận cháu bị bệnh tan máu bẩm sinh. Nguyên nhân do chị và chồng chị đều mang gene bệnh này. Kể từ lúc đó, tháng nào vợ chồng chị cũng phải đưa cháu lên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để truyền máu và thải sắt. gần 1 năm nay Trung tâm y tế huyện Chiêm Hóa đã triển khai điều trị nên chi phí đi lại cũng đỡ nhiều. Nhờ được phát hiện sớm cùng với việc điều trị tích cực và sự chăm sóc tận tâm, tận tình của các cán bộ y tế, hiện cháu Tuấn đã khỏe lên trông thấy.

Các bệnh nhi điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa.

Hiện nay Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa thực hiện điều trị truyền máu định kỳ cho 60 bệnh nhân thuộc các xã Minh Quang, Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa và xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, các huyện trong tỉnh và một số bệnh nhân thuộc tỉnh Hà Giang, chủ yếu là các cháu có độ tuổi từ 06 tháng tuổi đến 15 tuổi. Hầu hết, các bệnh nhi bị bệnh ở thể nặng với nhiều biến chứng như dị dạng ở khuôn mặt, sốt, rối loạn tiêu hóa. Hiện nay, phương pháp điều trị bệnh Thalassemia ở bệnh viện là điều trị thiếu máu bằng cách truyền máu. Phần đa, các trường hợp mắc bệnh đều nằm trong diện chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên việc chữa trị là một vấn đề nan giải cần sự chung tay của toàn xã hội. Vì vậy bên cạnh công tác điều trị Trung tâm y tế huyện cũng khuyến cáo người dân trên địa bàn để hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh tan máu bẩm sinh cũng như đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, sàng lọc với những đối tượng chủ yếu như: học sinh các trường THCS, THPT, các đôi trai gái chuẩn bị kết hôn, các bà mẹ mang thai.

Các cụm pa no, áp phích được treo tại các xã tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh.

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về việc phối hợp thực hiện hoạt động truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh trên địa bàn huyện, Trung tâm Văn hóa, Truyền thông, thể thao huyện Chiêm Hóa chủ động phối hợp với Viện huyết học truyền máu Trung ương, Trung tâm Y tế huyện, UBND các xã, thị trấn triển khai chương trình truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh tới toàn thể nhân dân nằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về bệnh tan máu bẩm sinh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mở các chuyên trang, mục trên hệ thống truyền thanh, cổng Thông tin điện tử huyện, tuyên truyền xe loa lưu động tại 26 xã, thị trấn; treo 26 cụm pa no ở 26 xã, 376 áp phích về bệnh tan máu bẩm sinh tại các nhà văn hóa thôn bản và trung tâm xã trên địa bàn. 

Với sự quan tâm chỉ đạo của huyện, sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn trong công tác tuyên truyền sẽ nâng cao nhận thức của nhân dân về cách phòng, tránh bệnh tan máu bẩm sinh; từ đó góp phần tích cực tham gia phòng bệnh Thalassemia để có gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc./.

Ngọc Hiển - Huy Dương

Tin cùng chuyên mục