Xã Hùng Mỹ tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích cấp tỉnh đền Pắc Nghè

Tối 27/01, UBND xã Hùng Mỹ tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích cấp tỉnh- Di tích lịch sử văn hóa đền Pắc Nghè. Dự buổi lễ có các đồng chí: Ma Phúc Hà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa; Hà Đức Tập, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Trần Đức Thuận, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các ban Đảng, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện; lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể xã cùng đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn.

Các đại biểu dự Lễ đón nhận Bằng di tích cấp tỉnh đền Pắc Nghè, xã Hùng Mỹ.

Đền Pắc Nghè thuộc thôn Nghe, xã Hùng Mỹ; đền còn có tên chữ "Pắc Nghè Linh từ"  được nhân dân xã Hùng Mỹ và dòng họ Ma Doãn dựng lên để thờ phụng các tướng quân dòng họ Ma Doãn. Đặc biệt là tướng quân Ma Doãn Trí, Ma Doãn Trinh, Ma Doãn Thản quê ở thôn Bản Cuống, xã Minh Quang, đã có công lớn trong việc đánh tan cánh quân Thanh. Đền Pắc Nghè nằm dưới chân núi Pù Chua, thuộc thôn Nghe, xã Hùng Mỹ. Với tín ngưỡng thờ " thiên -địa -nhân" là một tín ngưỡng dân gian bản địa, tín ngưỡng thờ trời đất và những người có công nhằm hướng đến cuộc sống thực tại của con người với mong ước sức khỏe, tài lộc, may mắn, cầu mong cho cuộc sống bình an, dân khang vật thịnh, mùa màng bội thu... Đền Pắc Nghè được xây dựng dưới thời Lê Trung Hưng thế kỷ thứ XVIII. Khởi nguyên đền được xây dựng bằng gỗ và các vật liệu, tranh tre, nứa lá, trải qua thời gian đền được nhiều lần trùng tu và sửa chữa. Năm 2014, ngôi đền được phụng dựng lại ở vị trí như hiện nay. Đền tựa lưng vào núi Pù Chua làm hậu chẩm tạo thành một chỗ đứng vững chắc, trường tồn. Bên trong là bàn thờ " Pắc Nghè linh từ". Đền có kiến trúc đơn giản, theo kiểu chữ Đinh(T), được làm bằng gỗ, mái lợp lá cọ. Không gian văn hóa tín ngưỡng của đền gồm tòa Đại bái và tòa Hậu cung. 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đức Thuận trao Bằng di tích cấp tỉnh đền Pắc Nghè cho lãnh đạo và nhân dân xã Hùng Mỹ.

Đền thờ các vị tướng quân dòng họ Ma Doãn thể hiện đạo lý " Uống nước nhớ nguồn"  đối với những người đã có công đánh giặc cứu nước, cứu dân, thể hiện lòng tôn kính, biết ơn với cội nguồn và tổ tiên. Hàng năm, tại đền Pắc Nghè, nhân dân địa phương thường tổ chức nhiều ngày lễ được tính theo âm lịch, đặc biệt vào ngày mùng 3 tháng giêng tổ chức lễ hội Lồng Tông, cầu mong mùa màng tươi tốt bội thu, muôn người bình an, phát đạt.

Đền Pắc Nghè được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc xã Hùng Mỹ nói chung và  dòng họ Ma Doãn nói riêng. Trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong xã Hùng Mỹ, dòng họ Ma Doãn sẽ tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phụng dựng lại ngôi đền nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, đồng thời phát triển trở thành điểm du lịch tâm linh của xã nói riêng, huyện Chiêm Hóa nói chung.

Các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã Hùng Mỹ và đông đảo nhân dân thăm quan các gian hàng tại Hội chợ quê.

Nhân dịp này, các đồng chí lãnh đạo huyện, các đại biểu và nhân dân trên địa bàn xã đã đến thăm quan Hội chợ quê diễn ra trên địa bàn xã. Hội chợ được tổ chức trong 02 ngày 26, 27/01, quy mô trên 30 gian hàng với đầy đủ các mặt hàng nông lâm nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, trong đó có những mặt hàng đặc trưng, đặc sản của xã như thịt trâu khô, thịt lợn đen, sản phẩm mây tre đan, cá chép ruộng, các loại rau đặc sản...đây là những tiềm năng thế mạnh của xã để quảng bá, giới thiệu và là định hướng cho phát triển kinh tế tại địa phương...                  

Huy Dương

Tin cùng chuyên mục