Về miền Then

Ngày 13-12-2019, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogota, thủ đô nước Cộng hòa Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây thực sự  là niềm tự hào của người Việt Nam nói chung, cũng như các tỉnh đất Then nói riêng, trong đó có Tuyên Quang, khẳng định sự nỗ lực của tỉnh trong việc hoàn tất hồ sơ di sản, bảo tồn và phát huy giá trị Then trong cuộc sống cộng đồng. Then Tuyên Quang hòa vào dòng chảy của văn hóa truyền thống xây đắp nên giá trị trường tồn…

Nghệ nhân Ưu tú, nhà nghiên cứu Then học Ma Văn Đức, dân tộc Tày, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong cộng đồng 22 dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh, dân tộc Tày có dân số chiếm gần 25% dân số toàn tỉnh, đông thứ 2 sau dân tộc Kinh. Theo quan niệm dân gian “Then” có nghĩa là “Thiên” (Trời), là nghi lễ cúng linh thiêng của đồng bào Tày, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình Thầy Then dâng lễ vật và cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng, dòng họ, gia chủ trong đời sống, sản xuất, sức khỏe. Người ta chia Then theo hình thức thể hiện: Then quạt, Then tính hay Then cầu yên, Then lễ hội. Chính vì sự đặc sắc của Then mà năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nghi lễ Then của Tuyên Quang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Then được biểu diễn trong Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.

Về mặt nghi lễ, với tư cách là một hình thái sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, Then chứa đựng những tín ngưỡng, tôn giáo nguyên thủy. Trong đời sống văn hóa cộng đồng của đồng bào Tày, hát Then không chỉ là khúc hát đầu Xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm. Then là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng dân gian và có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Then được thể hiện sinh động bằng lời ca, tiếng nhạc, điệu múa dân gian hết sức phong phú và hấp dẫn. Trong một cuộc hát Then, âm nhạc là yếu tố quan trọng và xuyên suốt khi trình diễn. Các ông Then, bà Then thông qua lời ca, tiếng hát, những làn điệu Then từ cây đàn Tính để gửi gắm những ước nguyện của người dân đến thần linh. 

Nghe tin Then được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, thôn Tân Hợp, xã Tân An (Chiêm Hóa) xúc động nói, ông rất tự hào với di sản của quê hương. Từ nay di sản Then sẽ ngày càng được bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ông vẫn nguyện cống hiến để nghi lễ Then của dân tộc Tày Tuyên Quang có sự kế tục giữa các thế hệ. Đây cũng chính là điều kiện giúp Then mãi trường tồn, là nền tảng tinh thần của người dân địa phương.

Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, xã Tân An, Chiêm Hóa dạy Then cho các cháu ở địa phương.

Có thể nói việc làm hồ sơ Then chung giữa các tỉnh đất Then để trình UNESCO thể hiện sự quyết tâm cao của các địa phương, bởi địa bàn rộng, với 11 tỉnh, có đến 3 dân tộc Tày, Nùng, Thái cùng tham gia hồ sơ. Khởi đầu là năm 2015, Tuyên Quang đứng ra đăng cai Liên hoan hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ V gắn với Lễ hội Thành Tuyên. Trong hội thảo khoa học, Tuyên Quang đã đề xuất cùng các tỉnh đất Then (gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang) cùng làm chung hồ sơ trình UNESCO công nhận Then là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các tỉnh có Then nhất trí đề cử Tuyên Quang là tỉnh đầu mối phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học để hoàn thiện hồ sơ. Sau một thời gian dài đi khảo sát, hội thảo, làm hồ sơ khoa học, mới đây người dân của các tỉnh có Then vỡ òa trong hạnh phúc. Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bà Âu Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Then được tỉnh Tuyên Quang chú trọng trong những năm gần đây. Đến nay toàn tỉnh có 75 câu lạc bộ hát Then, đàn Tính được thành lập. Sở Giáo dục và Đào đạo phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Then vào trường học. Tỉnh thường xuyên tổ chức các liên hoan hát Then, đàn Tính cấp tỉnh, huyện, xã để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng có dịp giao lưu. Ở các sự kiện lớn của tỉnh, Then luôn có vai trò lớn trong các chương trình văn nghệ, trình diễn. Việc tôn vinh nghệ nhân và truyền dạy hát Then, đàn Tính đã đi vào chiều sâu và trở thành phong trào lan rộng tại cơ sở. Ngày nay chiếc đàn Tính biểu tượng của nghi lễ Then cũng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo đối với khách du lịch mỗi khi tới Tuyên Quang.

Việc UNESCO ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chính là “đòn bẩy” quan trọng để tỉnh ta tiếp tục quảng bá, phát huy hơn nữa nghi lễ Then trong cộng đồng. Từ đó, góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục