Người thầy “nghệ sĩ”

Sinh năm 1980, quê Nghệ An, Lê Tuấn Ngọc có ngoại hình khá nghệ sỹ với mái tóc bồng bềnh. Anh ít trải lòng và thường gửi tâm tư cảm xúc qua những tác phẩm của mình. Tuấn Ngọc chia sẻ, chỉ khi đứng bên giá vẽ anh mới cảm nhận được nguyên vẹn mọi chuyển động của cảm xúc. Tranh của anh thường tạo ấn tượng với gam màu nhẹ nhàng, tạo cảm giác bình yên, thơ mộng cho người xem. Điển hình như: Vòng đời, Truyền nghề, Rước mẫu...

Anh Lê Tuấn Ngọc.

Bức tranh “Truyền nghề” được sáng tác trong lần anh đi thực tế ở xã Hồng Quang (Lâm Bình). Hình ảnh những thiếu nữ người Dao mải mê bên khung cửi chăm chú học cách thêu, dệt trang phục truyền thống của đồng bào mình. Ánh mắt của cô gái chăm chú theo từng đường tơ sợi chỉ đã để lại bao xúc cảm cho người họa sĩ trẻ. Tác phẩm “Truyền nghề” bằng chất liệu khắc gỗ để lại ấn tượng với người xem bởi đường nét hài hòa, cách phối màu giản đơn nhưng không kém phần tinh tế. Khắc gỗ là thể loại hội họa đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, tác giả đã biết cách thổi hồn vào những mảnh gỗ tạo nên những đường nét chân thực giàu biểu cảm nghệ thuật. Tác phẩm đã khắc họa thành công hình ảnh bốn cô gái chăm chú học dệt thổ cẩm và hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi say sưa hướng dẫn thế hệ trẻ bằng cả tâm huyết. Bên cửa ra vào, lấp ló hình ảnh cô bé, cậu bé cũng đang mải mê ngắm nhìn những mảnh thổ cẩm. Đó chính là thế hệ nối tiếp thế hệ, nghề nối tiếp nghề. Tranh của anh nhẹ nhàng, tinh tế tạo cho người xem nhiều suy tưởng với những thông điệp nhân văn sâu sắc. 


Bức tranh khắc gỗ “Truyền nghề”.

Đến với “Vòng đời” người xem được đằm mình trong khung cảnh của thiên nhiên. Bằng đôi mắt quan sát tinh tế, giàu tính nghệ thuật, hình ảnh giàn bí đỏ ngoài vườn được tác giả khắc họa rất riêng. Bức tranh được chia làm 3 phần, tạo cho tác phẩm một bố cục hoàn chỉnh, chặt chẽ từ lúc cây lớn trưởng thành, ra hoa và kết trái. Bức tranh có gam màu trầm ấm đầy sức gợi tả.

Không chỉ là một họa sỹ trẻ, Lê Tuấn Ngọc còn gửi gắm cảm xúc qua các nhạc phẩm. Điển hình như “Trái tim gửi lại”, “Tình yêu ngày ấy”, “Xuân về”… Những ca khúc về mái trường, những người đồng nghiệp và đặc biệt là học trò mến yêu cũng được Lê Tuấn Ngọc sáng tác bằng cả tâm huyết. Những bài hát với âm điệu vui tươi, khỏe khoắn: “Khúc hát tuổi thơ Chiêm Hóa”, “Khúc hát người giáo viên tình nguyện”, “Hãy đến trường em”… Anh tâm sự, mỗi lần nghe học sinh xướng lên các ca khúc hát về trường lớp, về tuổi học trò trong sáng và thơ mộng do mình sáng tác, lòng anh lại rộn ràng thấy “yêu nghề, mến trẻ”, càng mong muốn được tiếp tục cống hiến hơn nữa. Với âm hưởng dân ca Mông, bài hát “Thầy giáo bản tôi” tạo ấn tượng sâu sắc với hình ảnh người giáo viên cắm bản, luôn được đồng bào Mông yêu quý, được ví von thật hay: “Như sao sáng ở trên núi cao/Như sương mai dăng đầy đỉnh núi/Như ai người giáo viên rạng rỡ tuổi xuân/Bên núi bên rừng trên bản làng tôi…”. 

Tác giả Lê Tuấn Ngọc chia sẻ: “Mỗi sáng tác với tôi là một kỷ niệm và cũng là sự rung cảm đặc biệt. Đằng sau mỗi bức tranh, bài hát là những lời gửi gắm chân thành và những thông điệp đầy ý nghĩa. Tuyên Quang đã cho tôi nguồn cảm xúc và tâm hồn nghệ thuật được thăng hoa”.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục